Vụ bê bối khẩu trang đe dọa phá hủy di sản của Thủ tướng Đức Angela Merkel

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hai nghị sĩ Đức đầu tuần này đã rời liên minh đảng cầm quyền sau cáo buộc họ thu lợi nhờ môi giới cung cấp khẩu trang trong đại dịch Covid-19. Vụ bê bối xảy ra chỉ vài tháng trước cuộc tổng tuyển cử (sẽ diễn ra vào 9-2021) có thể gây khó cho đảng của bà Angela Merkel...
Đảng của Thủ tướng Angela Merkel có thể gặp khó vì bê bối nổ ra trong năm bầu cử

Đảng của Thủ tướng Angela Merkel có thể gặp khó vì bê bối nổ ra trong năm bầu cử

Từ chức vì bê bối môi giới

Nghị sĩ Nikolas Löbel của Đức đầu tuần này đã thừa nhận rằng, công ty của ông kiếm được ít nhất 250.000 euro từ môi giới giao dịch mua bán khẩu trang trong đại dịch. Đó là các hợp đồng mua bán khẩu trang giữa một nhà cung cấp ở bang Baden-Württemberg và 2 công ty tư nhân ở thành phố Mannheim và Heidelberg. “Tôi nhận trách nhiệm về hành động của mình và thấy được những hệ lụy về mặt chính trị quanh việc đó” - vị chính trị gia 34 tuổi nói. Nghị sĩ Löbel là thành viên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông này đã từ chức ngay lập tức và sẽ không tranh cử Hạ viện để tránh thiệt hại thêm cho đảng của mình.

Áp lực buộc ông Löbel phải từ chức ngày càng tăng khi bang Baden-Württemberg và Rhineland-Palatinate mở cuộc điều tra trong tháng 3 này. Trước đó 3 ngày, nghị sĩ Löbel đã đưa ra lời xin lỗi khi xác nhận rằng ông có tham gia vào các doanh nghiệp kinh doanh khẩu trang. Đối với một số nhà phê bình, bao gồm cả bà Susanne Eisenmann (ứng cử viên cho chức Thủ hiến bang cũng thuộc đảng CDU ở Baden-Württemberg), lời xin lỗi của ông Löbel là không đủ. Bà nói với tờ Der Spiegel rằng: “Không thể chấp nhận được việc các nghị sĩ làm giàu cho mình trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này”.

Trong một sự việc có liên quan, Nghị sĩ Georg Nüßlein cho biết, ông sẽ rời Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) - đảng liên kết với CDU tại Hạ viện. Ông Georg Nüsslein cũng cho biết thêm là sẽ rời khỏi nhóm Nghị viện của khối Bảo thủ, nhưng không có kế hoạch từ bỏ ghế của mình trong Quốc hội. Luật sư của ông trước đó đã tuyên bố, ông Nüsslein sẽ không tái tranh cử vào tháng 9-2021.

Các ông Georg Nüßlein và Nikolas Löbel bị cáo buộc trục lợi từ các giao dịch mua khẩu trang của Chính phủ. ÔngNüßlein đang phải đối mặt với một cuộc điều tra do cáo buộc đã nhận 660.000 euro nhờ môi giới giao dịch của Chính phủ cho các nhà cung cấp khẩu trang. Dù phủ nhận mọi hành vi sai trái, nhưng ông vẫn có kế hoạch là Nghị sĩ trong phần còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội, bất chấp những lời kêu gọi từ chức trong đảng của mình. Các nhà lãnh đạo CSU cho biết, quyết định rời đảng của ông Nüßlein là “không thể tránh khỏi, cũng để tránh thiệt hại thêm cho CSU”.

Hãng tin Spiegel cho hay, có thể có nhiều chính trị gia tham gia vào các môi giới mua bán khẩu trang trong đại dịch và ông Ralph Brinkhaus - lãnh đạo của nhóm nghị sĩ CDU/CSU nói với đài truyền hình ARD rằng, tất cả “trường hợp nghi ngờ” trong nội bộ đảng sẽ được làm rõ.

Đã có ít nhất 2 nghị sỹ Đức phải từ chức khi thừa nhận kiếm lợi từ môi giới giao dịch khẩu trang trong đại dịch Covid-19

Đã có ít nhất 2 nghị sỹ Đức phải từ chức khi thừa nhận kiếm lợi từ môi giới giao dịch khẩu trang trong đại dịch Covid-19

Thách thức trong năm bầu cử quan trọng

Ngày 26-9-2021, nước Đức sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội, qua đó cũng xác định ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel. Ở Đức, khẩu trang là một trong những yếu tố ít gây tranh cãi nhất của đại dịch này. Hầu hết mọi người đã chấp nhận rằng họ phải đeo khẩu trang trong siêu thị hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng giờ đây, mặt hàng này đang là tâm điểm của một vụ bê bối chính trị, có nguy cơ gây tổn hại nặng nề cho các đảng viên đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trong năm bầu cử quan trọng này.

Ngày 26-9-2021, nước Đức sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội, qua đó cũng xác định ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel. Ở Đức, khẩu trang là một trong những yếu tố ít gây tranh cãi nhất của đại dịch này. Hầu hết mọi người đã chấp nhận rằng họ phải đeo khẩu trang trong siêu thị hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng giờ đây, mặt hàng này đang là tâm điểm của một vụ bê bối chính trị, có nguy cơ gây tổn hại nặng nề cho các đảng viên đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trong năm bầu cử quan trọng này.

Toàn bộ vụ việc đã gây ra một cuộc tranh luận rộng rãi rằng, có gì khuất tất trong vận động hành lang và chủ nghĩa thân hữu hay không? Đây không phải là lần đầu tiên các thành viên có tiếng trong đảng cầm quyền đối mặt với những cáo buộc về chủ nghĩa thân hữu. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn và chồng là ông Daniel Funke đã bị sa thải vào năm 2020 sau khi họ mua bất động sản rộng lớn và một biệt thự sang trọng trị giá 3,75 triệu bảng Anh. Câu hỏi đặt ra là, làm sao cặp đôi này có thể mua được khối tài sản lớn như vậy trong khi lương của bà Spahn chỉ kiếm được 17.000 bảng/tháng. Báo chí tiết lộ, người bán biệt thự là Markus Leyck Dieken đã được bà Spahn đã bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Gematik - một công ty y tế thuộc sở hữu nhà nước.

Các đảng đối lập như đảng Greens hiện đang cố gắng làm mất uy tín của phe bảo thủ để giành thêm sự ủng hộ của cử tri. Các cuộc thăm dò cho thấy, tỷ lệ ủng hộ liên minh CDU/CSU hiện đã giảm 30% trong khi cuộc tổng tuyển cử đang đến gần. Trước khi bà Merkel tiếp quản đảng vào năm 2000, Chủ tịch Wolfgang Schäuble đã phải từ chức do áp lực ngày càng lớn về vụ bê bối quyên góp chính trị liên quan đến nhà buôn vũ khí Karlheinz Schreiber.

Trước đó, nhiệm kỳ của Thủ tướng Helmut Kohl vào những năm 1980 cũng có nhiều chuyện lùm xùm. Bà Merkel đã cố gắng gây dựng hình ảnh một đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đã thay đổi. Một số quyết định của nữ Thủ tướng Merkel có thể gây tranh cãi, nhưng trên hết, chưa bao giờ bà có điều tiếng về tham nhũng. Nhưng khi nhà lãnh đạo này sắp rời nhiệm sở sau 4 nhiệm kỳ, đảng của bà lại có nguy cơ rơi vòng xoáy cáo buộc tham nhũng và hối lộ.

Minh bạch hóa hoạt động vận động hành lang

Những vụ bê bối xung quanh việc trục lợi từ môi giới các giao dịch khẩu trang tại Đức cũng đã đẩy nhanh quá trình soạn thảo luật yêu cầu phải minh bạch hơn về các nhà vận động hành lang. Quốc hội là nơi các dự luật được bàn thảo, các đại biểu dân cử trao đổi quan điểm và tranh luận rồi cuối cùng thông qua thành luật. Tuy nhiên, Quốc hội ở nhiều nước phương Tây luôn diễn ra hoạt động vận động hành lang, về bản chất là một quy trình dân chủ. Quá trình lập pháp cũng cần có sự đóng góp chuyên môn của các hiệp hội kinh tế, công đoàn, tổ chức phi chính phủ và các nhóm tôn giáo. Vì thế các nhóm lợi ích cũng tiếp cận các chính trị gia để vận động, thúc đẩy thông qua luật.

Nhiều quốc gia có các quy định về tính minh bạch đối với các nhà vận động hành lang chặt chẽ hơn nhiều so với Đức. Canada và Mỹ là một trong những quốc gia nghiêm ngặt nhất. Ở những quốc gia này, các nhà vận động hành lang được yêu cầu đăng ký cụ thể, chặt chẽ. Ngoài ra còn có một cơ quan kiểm soát độc lập và các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với những hành vi sai trái. Ở Mỹ, vi phạm quy định về vận động hành lang có thể chịu mức án tù lên đến 5 năm và tiền phạt lên đến 200.000 USD. Liên minh châu Âu cũng đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao về tính minh bạch. Các ủy viên EU phải đăng trực tuyến các cuộc họp liên quan đến vận động hành lang của họ. Ngoài ra, các cuộc họp cũng được liệt kê theo luật mà họ liên quan. Đơn cử, chỉ cần tra cứu một luật có cụm từ “Green Deal”, người ta sẽ thấy được tên tuổi tất cả các tổ chức thực hiện hoạt động vận động hành lang có liên quan.

Sắp tới, cơ quan đăng ký vận động hành lang của Đức sẽ nằm trong Quốc hội. Một số tổ chức về kiểm soát vận động hành lang như Abgeordnetenwatch, Lobbycontrol… đang đưa ra yêu cầu điều chỉnh, chẳng hạn như yêu cầu các nhà vận động hành lang công khai tất cả các liên hệ chính trị của họ. Các tổ chức này cũng đề xuất “dấu ấn lập pháp” nhằm giúp xác định nhóm lợi ích nào đã đóng vai trò thúc đẩy một luật cụ thể. Từ đó, công dân thấy luật được thực hiện như thế nào và lợi ích nào được tính đến. Họ cho rằng, cần một sự minh bạch cần thiết để đảm bảo các hoạt động vận động hành lang phục vụ dân chủ mà không bị trôi vào các hình thức bất hợp pháp.