Vụ 39 người chết trong container: Muốn sang Anh, phải nộp số tiền rất lớn, có khi đến gần 1 tỷ đồng

ANTD.VN - Liên quan đến vụ 39 người chết trong container ở Anh, chiều 4-11, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu thông tin, tất cả người nghi nằm trong số nạn nhân chết ở Anh đều xuất cảnh từ sân bay quốc tế Nội Bài, đi hợp pháp sang nước thứ hai chứ không phải đi chui lủi qua Lào, Campuchia…

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu trả lời báo chí chiều 4-11

Bên hành lang Quốc hội chiều nay, 4-11, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã chia sẻ một số thông tin mới nhất liên quan đến việc Công an tỉnh này vừa bắt giữ, khởi tố 8 đối tượng liên quan đến vụ 39 người tử vong tại Anh.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, tất cả 8 người bị cơ quan công an tỉnh Nghệ An bắt giữ đều có con, em, người thân làm việc ở Anh và đã đi qua Anh rất nhiều. Tại nước Anh, họ “làm ăn được” nên từ bên Anh đã móc nối người thân của mình tổ chức cho những ai muốn sang Anh làm việc.  

Theo điều tra, mọi người khi muốn sang bên Anh phải nộp số tiền rất lớn, có những người nộp đến 49.000 USD, tức là gần 1 tỷ đồng, và có một số người nộp 600 - 700 triệu đồng.

“Tất cả những người chúng tôi đang nghi vấn ở bên Anh đều đi qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và bay sang đó hợp pháp, còn đi sang nước thứ ba là việc của họ bên đó. Khi họ xuất cảnh, các giấy tờ đều đi từ sân bay Nội Bài chứ không phải đi chui lủi qua Lào, Campuchia” – Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nói.

Trả lời câu hỏi về việc những đối tượng trên có nằm trong đường dây chuyên nghiệp tổ chức đưa người lao động ở Nghệ An sang Anh làm việc hay không, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, nói “đường dây chuyên nghiệp” thì có lẽ không phải, nhưng chắc chắn có những người đã đưa người lao động đi trót lọt rồi.

“Vậy trong số 8 đối tượng bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ, những người này đã đưa được bao nhiêu người đi trót lọt?” – báo chí hỏi. Trả lời, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết, trước hết có thể khẳng định họ đều có liên quan, ít nhất là đưa được 1 người đi, nhiều hơn là một số người.

“Cụ thể ra sao chúng tôi sẽ thông tin sau, hiện chỉ có thể khẳng định tất cả những người chúng tôi bắt giữ là đều có căn cứ và đúng quy định pháp luật” – Giám đốc Công an Nghệ An nói.

Thông tin kỹ hơn về quá trình điều tra, bắt giữ và khởi tố 8 đối tượng nêu trên, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết, ngày 23-10, khi có thông tin về 39 người chết trong container ở Anh và qua khai thác trên các mạng xã hội, đăc biệt là các mạng của bà con Việt kiều ở nước ngoài, có nghi vấn nạn nhân là người Việt Nam, Công an tỉnh Nghệ An đã tích cực tìm thông tin.

Đến ngày 27-10, Công an tỉnh quyết định lập chuyên án trinh sát đấu tranh. Trong quá trình đó, đến ngày 2-11, đánh giá tình hình và thấy cần phải khởi tố vụ án để ngăn chặn các đối tượng bỏ trốn, Công an tỉnh Nghệ An đã lập được danh sách từ 8 -9 đối tượng nằm trong đối tượng nghi vấn đưa người lao động đi Anh.

“Tất cả đối tượng này chúng tôi đều soát, xét xem đưa ai đi, ông A, ông B, ông C... Khi thấy đã đủ căn cứ thì chúng tôi tiến hành khởi tố vụ án. Trong chiều ngày thứ 7 (ngày 2-11), Công an Nghệ An bắt giữ đối tượng đầu tiên. Sáng ngay chủ nhật, đúng 5h30 phút, toàn bộ anh em có mặt tại địa bàn giám sát và bắt tiếp 7 đối tượng” – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói.

Cũng theo ông Cầu, hiện nay, các đối tượng bị bắt giữ về cơ bản nhận tất cả hành vi của họ về việc đưa người đi nước ngoài.

“Rõ ràng ở Việt Nam. hành vi đưa người ra nước ngoài xuất khẩu lao động mà không thông qua cơ quan nhà nước thì có nghĩa là bất hợp pháp. Chúng ta vận dụng pháp luật về tội tổ chức môi giới hoặc tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349 Bộ luật Hình sự) để khởi tố vụ án điều tra hành vi này” – ông Cầu nói thêm.

"Không ai bỏ ra 1 tỷ đồng cho người khác đi… buôn mình cả”

Trước ý kiến của một ĐBQH cho rằng vụ 39 người chết tại Anh là một vụ “buôn người”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, bản chất không phải như vậy, vì những lao động người Việt nghi nằm trong số 39 nạn nhân trên đều bỏ tiền, “chạy tiền” để ra nước ngoài làm ăn. Có những người phải nộp gần 1 tỷ đồng mới được đi, và không ai lại bỏ ra 1 tỷ đồng cho họ đi buôn mình cả.

Về ý kiến cho rằng sau vụ việc này, nếu có cơ hội, nhiều người dân vẫn tiếp tục cho con em mình sang Anh làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu phân tích, vấn đề là người dân không có thông tin, cứ thấy người khác đi về có nhiều tiền thì cũng  muốn con em mình đổi đời bằng hình thức này. Nhưng khi đã có thông tin, có lẽ không ai đánh đổi mất mát tính mạng, máu thịt của con em mình vì mưu sinh như vậy.