- 2 ca tử vong sau gây mê tại BV Trí Đức: Người nhà nạn nhân không hài lòng với kết luận của Sở Y tế
- Gia đình nạn nhân tử vong tại Bệnh viện Trí Đức cầu cứu Bộ trưởng Y tế
- Vụ 2 bệnh nhân tử vong tại BV Trí Đức: Các nạn nhân được tiêm cùng loại thuốc gây mê
Bệnh viện đa khoa Trí Đức
Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, chị Vũ Hà Phương (vợ nạn nhân Hoàng Văn Trấn) cho biết: “Thực tế kết luận của Hội đồng chuyên môn về nguyên nhân khiến chồng tôi tử vong tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức không được gửi tới gia đình, mà do chúng tôi đọc được ở trên báo ngày 21-2. Kết luận này khiến cả nhà rất bức xúc và tôi đã lập tức viết đơn đề nghị Bộ Y tế vào cuộc”.
Cũng theo trình bày của chị Phương: “Anh Trấn tử vong tại Bệnh viện Trí Đức trong khi kết luận lại không đề cập đến trách nhiệm của bệnh viện này. Vậy thử hỏi cá nhân, tập thể nào sẽ chịu trách nhiệm? Theo sự hiểu biết của gia đình tôi, tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ là rất thấp. Ví dụ như ngay tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức… cũng có tình trạng bệnh nhân sốc phản vệ nhưng nguy cơ tử vong không nhiều. Được biết, trước ca phẫu thuật của chồng tôi 30 phút đã xảy ra trường hợp bệnh nhân Quách Thị Mai Phương tử vong vì sốc phản vệ.
Chị Vũ Hà Phương - vợ nạn nhân Hoàng Văn Trấn
Thế nhưng, tại sao các bác sỹ không đình chỉ ca mổ của chồng tôi mà vẫn tiếp tục phẫu thuật. Điều đó dẫn tới hậu quả tương tự khiến chồng tôi tử vong oan uổng. Trong kết luận của Hội đồng chuyên môn có khẳng định, tất cả kỹ thuật gây mê và thuốc gây mê đều đúng quy trình. Vậy thử hỏi chồng tôi chết có đúng quy trình không?”.
Đến bây giờ, điều khiến gia đình chị Phương khó chấp nhận nhất là chi phí của Bệnh viện Trí Đức cao hơn các bệnh viện khác, nhưng khi xảy ra sự cố thì việc cấp cứu lại không hiệu quả do không đủ trang thiết bị.
“Kết luận của Hội đồng chuyên môn cho rằng, việc chuyển chồng tôi lên tuyến trên cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) là đúng quy trình, trong khi tôi được biết, lúc đó anh Trấn đã tử vong rồi thì việc này còn có ý nghĩa gì? Hội đồng chuyên môn cũng kết luận, nhiều khả năng anh Trấn bị suy hô hấp cấp nổi trội hơn suy tuần hoàn, nhưng chưa thể lý giải được vì sao. Liệu kết luận này có phải là vẫn chưa thể kết luận về nguyên nhân cái chết của chồng tôi hay không?” - chị Phương nói
Chị Quách Thị Phương Thanh - em gái nạn nhân Quách Thị Mai Phương
Trong khi đó, chị Quách Thị Phương Thanh (em gái nạn nhân Quách Thị Mai Phương) cho rằng, kết luận của Hội đồng chuyên môn vẫn không rõ ràng. “Kết luận chỉ ra rằng, nếu Bệnh viện Trí Đức có máy chống rung trong phòng phẫu thuật thì việc cấp cứu hồi sức sẽ hiệu quả hơn, tuy nhiên lại không nói rõ nếu thiếu thiết bị này thì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc cấp cứu nạn nhân. Một chiếc máy cần phải có trong phòng phẫu thuật, nhất là nó có thể phát huy tác dụng khi có sự cố khẩn cấp thì điểm này rất quan trọng. Ngoài ra, việc để 2 ca tử vong liên tiếp trong vòng 30 phút với cùng một hiện tượng là sốc phản vệ có phải ngẫu nhiên hay không cũng không được khẳng định. Gia đình tôi sẽ tiếp tục gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ Y tế để tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị gái mình” - chị Thanh nói.
Thư gửi Bộ Y tế của gia đình nạn nhân
Theo thông tin của Báo ANTĐ, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội ra kết luận dựa trên kết quả giải phẫu bệnh của cả 2 nạn nhân. Đối với việc sử dụng thuốc, do còn thiếu nhiều thông tin nên Hội đồng chưa có cơ sở để khẳng định, chính vì vậy kiến nghị về trách nhiệm của Bệnh viện Trí Đức là chưa thể thực hiện được.
Được biết, nạn nhân Trấn là trụ cột trong nhà và hiện nay gia đình đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Anh mất đi để lại bố mẹ già không còn khả năng lao động cùng vợ và 4 đứa con, trong đó cháu nhỏ nhất mới được hơn 1 tháng tuổi.