VTV lại rơi vào thế khó sau sự cố

(ANTĐ) - Cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 11 đầy sôi động đã khép lại và chiếc vòng nguyệt quế cùng suất học bổng 35.000USD đã được trao cho “nhà leo núi” Phạm Ngọc Oanh đến từ trường THPT Tiên Lãng, Hải Phòng.

 Phạm Ngọc Oanh đã có phần thi xuất sắc khi thể hiện được kiến thức cũng như sự bình tĩnh của mình. Song ngay sau khi cuộc thi kết thúc đã có một số tranh cãi xung quanh đáp án của BTC trong phần thi tăng tốc với câu hỏi: Đây là gì? Theo gợi ý mà chương trình đưa ra với 5 dữ liệu là: 1. Đây là hợp chất vô cơ, 2. Có cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion, 3...  của rừng (tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp), 4. Một loại gia vị, 5. Salt. Với gợi ý này, 3 thí sinh đã đưa ra đáp án là “muối”, trong khi đó, duy nhất Phạm Ngọc Oanh đưa ra đáp án là: “muối ăn”.

Phạm Ngọc Oanh đã được nhận vòng nguyệt quế tại cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olypia năm 2011

 Với đáp án này, MC Tùng Chi đã công bố Phạm Ngọc Oanh không có điểm vì đáp án của chương trình là “muối”. Song, đại diện Ban cố vấn chương trình đã kết luận câu trả lời “muối ăn” của Phạm Ngọc Oanh là chấp nhận được vì trong phần gợi ý có hình ảnh người dân làm muối.

Từ đó làm nảy sinh các ý kiến tranh luận theo hai chiều hướng khác nhau: Một luồng ý kiến cho rằng: câu trả lời “muối” là chính xác vì nếu thay từ “muối ăn” vào gợi ý thứ 3, tên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì sẽ bị biến dạng thành “Muối ăn của rừng”. Và như vậy câu trả lời của Phạm Ngọc Oanh sẽ không được tính điểm, điều đó cũng đồng nghĩa thứ bậc của cuộc thi cũng sẽ thay đổi. Còn luồng ý kiến khác lại cho rằng câu trả lời là “muối ăn” mới chính xác bởi, câu trả lời này đã thoả mãn tất cả các gợi ý của chương trình đưa ra, chỉ duy nhất, gợi ý thứ ba là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Song, đây chỉ được coi là “gợi ý” của chương trình, chứ không phải là một câu hỏi mà người trả lời phải “điền chữ đúng” vào dấu chấm. Với giải thích như vậy thì phần trả lời của Phạm Ngọc Oanh là hoàn toàn thuyết phục.

 Tuy nhiên, từ đây lại nảy sinh một vấn đề khác liên quan đến điểm số của các “nhà leo núi” vì: nếu như câu trả lời “muối ăn” được coi là “đáp án đúng” thì đương nhiên câu trả lời là “muối” của 3 thí sinh còn lại sẽ là “đáp án sai” vì muối có nhiều loại và có loại muối không thể “làm gia vị”… Điều đó đồng nghĩa với việc 3 thí sinh còn lại sẽ không có điểm trong phần thi này và duy nhất chỉ có Phạm Ngọc Oanh đã đạt điểm.

Chương trình Đường lên đỉnh Olympia là một chương trình hấp dẫn không phải chỉ riêng với các bạn học sinh mà còn thu hút một lượng lớn khán giả truyền hình. Song đây cũng không phải là lần đầu tiên chương trình gặp “sự cố”. Trước đó, thí sinh Bạch Đình Thắng - trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cũng gặp “sự cố” với câu hỏi liên quan đến hệ nội tiết trong cuộc thi quý của Đường lên đỉnh Olympia năm 2009.

 Sau khi Bạch Đình Thắng khiếu nại và VTV đã phải “sửa sai” bằng việc công nhận Thắng là người đồng chiến thắng và nhận vòng nguyệt quế. Tiếp đó, năm 2010, “sự cố” lại xảy ra liên quan đến việc phát âm tiếng Anh sai của thí sinh Phan Minh Đức nhưng vẫn được tính điểm. Sau khi có những phản ứng, VTV đã họp và quyết định vẫn công nhận chiến thắng đối với Phan Minh Đức với lý do rằng “đó là lỗi thường thấy”. Còn lần này, VTV lại rơi vào thế khó. Và việc giải quyết như thế nào, còn phải chờ kết quả công bố từ phía VTV.