VPF nhiệm kỳ mới, bài toán cũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2020-2023 vừa ra mắt đã phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đa phần là các vấn đề cũ liên quan đến tài chính, tính chuyên nghiệp của các CLB cũng như cả giải đấu.

Tại đại hội cổ đông vừa qua, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã bầu ra 7 thành viên Hội đồng quản trị, trong đó ngoài việc ông Trần Anh Tú tái đắc cử vị trí chủ tịch, đáng chú ý là sự trở lại của cựu Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Ngọc trong vai trò Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Tân Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc được Chủ tịch Trần Tú đánh giá là một trong những người có chuyên môn tốt nhất trong tổ chức thi đấu ở Việt Nam hiện nay, đồng thời sẽ là "cánh tay phải" giúp quán xuyến công việc chuyên môn ở VPF.

Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2020-2023

Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2020-2023

Với một số nhân sự chủ chốt "mới mà quen", HĐQT VPF sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả những vấn đề cũ như chất lượng trọng tài, vấn nạn nhường điểm, nâng chuẩn chuyên nghiệp cho các CLB...

Công tác trọng tài luôn bị xem là "điểm đen" của V-League những năm qua, dù VPF lẫn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã có nhiều biện pháp cải cách như tăng chế độ đãi ngộ, gia tăng thời gian lẫn chất lượng các đợt tập huấn...

Chỉ riêng trong 2 mùa giải gần đây, thống kê sơ bộ cho thấy có ít nhất 6 trọng tài mắc sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả trận đấu, gây bức xúc cho các CLB và khán giả, trong đó có trường hợp đã phải giải nghệ hoặc bị "treo vĩnh viễn".

Cái khó của VPF là không trực tiếp quản lý trọng tài (do Ban Trọng tài VFF quản lý), vì vậy, mỗi khi có sai sót chỉ có thể góp ý, đề nghị Ban Trọng tài VFF chấn chỉnh lại cấp dưới. Thực tế, VPF đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị không phân công một số trọng tài đã mắc sai sót nghiêm trọng, song dù sao cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

Qua 20 mùa khoác tấm áo chuyên nghiệp, V-League vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp như tên gọi của nó. Nhiều CLB khi kiểm tra đã không đạt các tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp của AFC đề ra và xin "khất", trong đó có CLB Hải Phòng do Phó Chủ tịch VPF đương nghiệm là ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Chủ tịch CLB.

Khi báo chí "truy" chuyện lãnh đạo VPF đứng đầu một CLB dự V-League nhưng lại không tuân thủ các tiêu chí chuyên nghiệp, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết VPF sẽ cùng VFF siết chặt hơn để các CLB phải tuân thủ quy chế chuyên nghiệp của AFC, hướng tới một vài năm nữa, CLB nào không đạt chuẩn sẽ bị loại thẳng.

Bên cạnh những bài toán cũ, VPF nhiệm kỳ mới còn phải đối mặt với thách thức mang tính thời sự, đó là dịch Covid-19.

Ở mùa 2020, V-League đã phải nhiều lần tạm ngưng để chờ khống chế dịch. Và ở mùa 2021, lịch thi đấu của giải dự báo sẽ còn bị "cắt vụn" hơn nữa để nhường lịch cho một loạt hoạt động quốc tế quan trọng của các đội tuyển quốc gia nam.

Cùng với đó, tác động tiêu cực tới kinh tế của Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới "túi tiền" các CLB mà còn khiến VPF gặp khó trong kêu gọi tài trợ cho các giải đấu.

Theo báo cáo tài chính, VPF ước tính sẽ lỗ khoảng 7 tỉ đồng trong năm tài chính 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú thừa nhận làm sao để công ty không lỗ trong năm 2021 là điều không dễ.

Cũng vì lý tài chính eo hẹp mà VPF buộc phải cắt giảm 50% quỹ hỗ trợ cho các CLB, dù bản thân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết để tăng tính hấp dẫn giai đoạn cuối mùa, tránh các CLB "buông xuôi", "nhường điểm" thì cần phải tăng quỹ hỗ trợ này lên để tạo động lực cho cầu thủ, đội bóng.