Vòng xoáy tăng trưởng

ANTĐ - Nguy cơ hiện hữu về suy thoái kép của hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đòi hỏi các nước đang phát triển phải có mô hình tăng trưởng mới không phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài.

Khủng hoảng nợ công ở châu Âu ảnh hưởng tới xuất khẩu của các nước đang phát triển

Không thể phủ nhận việc các cường quốc kinh tế hay các trung tâm kinh tế lớn ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển. Những trung tâm kinh tế này vừa cung cấp vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý cho sự tăng trưởng, đồng thời là thị trường chính để xuất khẩu của các nước đang phát triển.

Nhiều nước đang phát triển đã xây dựng và rất thành công với mô hình tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu. Minh chứng rõ nhất cho sự thành công của mô hình tăng trưởng trên là các nước thành viên ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia...

Song mô hình tăng trưởng dựa vào vốn, công nghệ và xuất khẩu của các nước đang phát triển cũng có mặt trái và những điểm yếu chí mạng. Một trong những bài học đắt giá được rút ra là cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế tồi tệ ở châu Á năm 1997-1998 bắt nguồn từ việc thị trường tài chính Thái Lan sụp đổ do nước ngoài đồng loạt rút vốn.

Không giống như lần khủng hoảng cách đây hơn một thập kỷ, cuộc suy thoái trầm trọng hiện nay của kinh tế thế giới cho thấy mức độ khủng hoảng của các nước đang phát triển tuỳ thuộc vào sự phụ thuộc của họ với nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Mức độ mở cửa, sự phụ thuộc càng nhiều thì khủng hoảng càng trầm trọng.

Chính vì thế mà lời cảnh báo kép về sự suy thoái kép của các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới do Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) vừa đưa ra đã đòi hỏi các nền kinh tế đang phát triển cần thay đổi mô hình tăng trưởng để tránh nguy cơ tái diễn chu kỳ phát triển-vỡ nợ. Dòng vốn đến dễ và nhanh cũng có nguy cơ ra đi nhanh không kém, để lại hậu quả nặng nề cho những nền kinh tế phụ thuộc vào nó.

Phân tích về tác động của cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu,  Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR) cho rằng nó sẽ tác động mạnh đến các nước đang phát triển theo 3 hướng. Đó là xuất khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh; giảm mạnh vốn đầu tư ra bên ngoài; và gây hỗn loạn các thị trường tài chính toàn cầu, dẫn tới tổn thương lớn cho các nước đang phát triển.

Vì thế, theo CEPR, các nước đang phát triển cần thay đổi mô hình tăng trưởng để mở ra các cơ hội cho các công ty vừa và nhỏ tạo ra các liên minh rộng rãi các hoạt động kinh tế và xã hội với nguồn thu nhập và lợi nhuận đa dạng. Mô hình mới sẽ tạo điều kiện phát triển hệ thống sản xuất và tiêu dùng phi tập trung hoá có khả năng cạnh tranh và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. 

Chống chọi với vòng xoáy tăng trưởng-vỡ nợ, Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho rằng các nền kinh tế đang phát triển cần sử dụng hiệu quả thương mại, đầu tư và dòng công nghệ được chuyển giao để tăng năng suất, việc làm. Đồng thời  không gây mất cân bằng cán cân thanh toán với bên ngoài và làm biến dạng nền kinh tế vốn là những nguy cơ có thể đảo ngược mọi thành quả phát triển.