Vốn ngoại chi phối các doanh nghiệp trung gian thanh toán và mối lo an toàn thông tin

ANTD.VN - Toàn thị trường hiện có 27 công ty trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử được cấp phép nhưng có tới 90% thị phần đều nằm trong 5 công ty lớn. Các công ty này đều có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% đến hơn 90%, đặt ra mối quan ngại về an toàn thông tin…

Thị trường tiềm năng

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Fintech phát triển đó là quy mô dân số và sự phát triển của thương mại điện tử.

Trong vài năm vừa qua, hoạt động thanh toán khá phát triển, số lượng tài khoản thanh toán của người dân tăng nhanh qua các năm. Năm 2018 có 45,8 triệu người dân trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản, chiếm 63% dân số trưởng thành.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận ngân hàng truyền thống còn hạn chế, đặc biệt với đối tượng dân cư sinh sống tại nông thôn. Đây là cơ hội lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử và các giao dịch thanh toán điện tử phát triển nhanh chóng cũng tạo đà cho Fintech. Trong quý II/2019, tốc độ phát triển của thanh toán dịch vụ ngân hàng qua Mobile Banking tăng trưởng 160% so cùng kỳ năm 2018, trong khi tỷ lệ ở các nước trong khu vực chỉ ở mức 60 - 80%. Nó thể hiện rằng tỉ lệ sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam rất cao.

Hoạt động cung ứng ví điện tử đang "nở rộ" tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngang hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…

Trong đó, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép, phần lớn là tổ chức ví điện tử (27), cổng thanh toán điện tử (26), hỗ trợ thu hộ chi hộ (26), chuyển tiền điện tử (9). Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán của các ngân hàng thương mại cũng rất mạnh, ứng dụng công nghệ mới.

Nhận định về sự phát triển của Fintech Việt Nam trong 5 năm tới, ông Nghiêm Thanh Sơn cho rằng thị trường sẽ có những sự thanh lọc nhất định, có doanh nghiệp mới được thành lập và nhiều doanh nghiệp Fintech sẽ ra đi.

“Đây cũng là những quy luật của thị trường. Nhưng nhìn vào các diễn biến hiện nay, tôi cho rằng chắc chắn sẽ có các doanh nghiệp kỳ lân (là các doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD). Các cơ quan quản lý như NHNN sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech để phát triển ổn định và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiểm soát rủi ro và bảo vệ người sử dụng", ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết.

Vốn ngoại áp đảo, cơ quan quản lý tính khống chế trần

Liên quan đến đề xuất trần 30% sở hữu nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nghiêm Thanh Sơn thông tin, tỷ lệ room nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán hiện đang được cơ quan chức năng lấy ý kiến và chưa đưa ra tỷ lệ nào chính thức.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới,  nhiều khả năng sẽ áp dụng 30% hay 49%. Theo số liệu thống kê, trong số 27 công ty trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử được cấp phép thì 5 công ty trung gian thanh toán lớn nhất chiếm tới 90% thị phần (cả số lượng lẫn giá trị giao dịch).

“Các công ty này đều có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% đến hơn 90%. Điều này cũng đặt ra nhiều mối quan ngại liên quan đến an toàn thông tin và cũng đủ lớn để ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, an ninh dữ liệu quốc gia” – ông Nghiêm Thanh Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, việc áp dụng trần sở hữu nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, các cơ quan quản lý cũng chú ý tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.

Đáng chú ý, NHNN sẽ xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các trung gian thanh toán thông qua sở hữu do nắm giữ trực tiếp và cả sở hữu gián tiếp để tránh trường hợp các tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phần thông qua pháp nhân tại Việt Nam.