Vốn “chảy” vào sản xuất

ANTĐ - Cuộc hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp” nhận định, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam từ khi gia nhập WTO đến nay chưa được cải thiện nhiều, độ ổn định chưa cao. Đa số có quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực công nghệ yếu, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu. Tuy vậy, tín hiệu phục hồi đã xuất hiện, nếu lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn trong tầm kiểm soát, lãi suất có thể giảm thêm sẽ là động lực lớn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất. 

Đánh giá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thành phố hiện có khoảng 90.000 doanh nghiệp, nhưng phần lớn có quy mô vốn nhỏ, khả năng tiếp cận vốn yếu, trang thiết bị công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý hạn chế. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trước tình hình này, UBND TP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho Nhật Bản. Nguyên nhân yếu kém sức cạnh tranh của doanh nghiệp được một số chuyên gia chỉ rõ là do chất lượng, khả năng cạnh tranh về mặt quản lý, tài chính của doanh nghiệp còn non kém, năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 5,4%, song số ngừng hoạt động, phải giải thể tăng tới 9,16%. Tại Hà Nội, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, còn số doanh nghiệp dừng hoạt động lại tăng 2,61%. Theo đánh giá chung, sức cầu yếu trong nước vẫn là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt. Trong tình thế này, việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh khó có thể đẩy mạnh. Điều này phản ánh qua tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm ở mức 5,41%, tốc độ có giảm so với hai tháng trước. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2012, mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với 1,4% của 8 tháng đầu năm ngoái. 

Đang có những tín hiệu hỗ trợ tín dụng tăng trưởng mạnh những tháng cuối năm như biện pháp khuyến khích mở rộng của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang bước vào mùa cao điểm. Quan trọng hơn là, vốn từ các ngân hàng đã được khơi thông và đang “chảy” vào sản xuất. Doanh nghiệp cũng đã đi vay ngân hàng do lãi suất giảm mạnh.