Vô tình “làm gương xấu”

ANTĐ - Trẻ con bắt chước người lớn nhanh nhất, vì thế, cách dạy con những thói quen lành mạnh hiệu quả nhất là những hành động tích cực của cha mẹ để con cái noi gương. Vậy mà đôi khi các bậc phụ huynh vẫn mắc phải sai lầm “làm gương xấu” cho con mà không biết.

Lệ thuộc vào công nghệ

Ai cũng biết trẻ con dành quá nhiều thời gian cho tivi, điện thoại, máy tính thường có vấn đề về giấc ngủ, cân nặng và ảnh hưởng đến kết quả học tập. Thật không công bằng nếu cứ nhắc con không được nhắn tin hay xem phim tại bàn ăn nếu bố mẹ cứ nghe điện thoại. Điều người lớn làm sẽ tác dụng hơn lời nói suông. Do đó, khi thiết lập các quy tắc trong gia đình về các thiết bị điện tử đối với tất cả mọi người thì kể cả cha mẹ cũng cần tuân theo.

Mọi thứ đều ganh đua

Thường xuyên so bì con bạn với trẻ khác như hàng xóm, bạn học cùng lớp, anh chị em ruột hóa ra không phải là động lực tốt cho con. Có cách khác để khuyến khích con mình như khen ngợi đúng lúc, đúng chỗ; hướng con đến việc mà con thích làm và chỉ ra những tiến bộ rõ rệt mà con đạt được.

Chỉ trích bản thân

Không hài lòng với ngoại hình của mình, nhiều bà mẹ cứ kêu ca phàn nàn rằng mình quá béo. Trẻ con, đặc biệt là các bé gái, rất dễ ảnh hưởng bởi những gì đã nghe mẹ nói. Điều đó khiến bé có thể không thích hình ảnh của mình trong gương hoặc tự ti với vóc dáng, từ đó dẫn đến những thói quen không lành mạnh như ăn kiêng hoặc làm tăng nguy cơ rối loạn ăn uống nguy hiểm.

Ăn theo cảm xúc

Lúc buồn hay thất vọng, bạn rơi vào tình trạng ăn uống vô độ để “giải khuây”.  Thông điệp không lành mạnh này có thể truyền cho con cái, bởi người lớn cho thấy rằng ăn uống kiểu đó sẽ giúp bản thân cảm thấy khá hơn trong khi trẻ con đón nhận những thói quen xấu và tốt như nhau. Cho nên, nếu tâm trạng không tốt, có thể làm gương cho trẻ bằng những cách tích cực hơn như nói chuyện với bạn bè hoặc đi dạo một vòng. 

Giảm căng thẳng bằng rượu

Nếu về nhà sau một ngày làm việc, ông bố giải tỏa bằng rượu, vô hình trung cho con thấy rượu là cách tốt để giảm bớt căng thẳng. Bố mẹ uống quá nhiều cà phê cũng vậy. Lời khuyên là: Hãy thử tập thể dục hoặc một trò chơi yêu thích mà cả gia đình có thể tham gia như đạp xe hay nhảy lò cò… để mọi thành viên đều có cơ hội thư giãn hoặc tái tạo năng lượng.

Luôn tranh luận, cãi cọ

Nếu hai vợ chồng thích “khẩu chiến”, con bạn sẽ nghĩ rằng đó là cách giải quyết mọi căng thẳng. Tranh cãi ban đầu có thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn nhưng càng về sau, nó có thể trở nên tồi tệ. Thêm vào đó, không khí đó không hề tốt cho trẻ chút nào, thậm chí thực tế đã chỉ ra nó có thể gây tổn thương cho tâm lý, tinh thần của trẻ.

Gièm pha, nói xấu người khác

Chê bai, chỉ trích ai đó trước mặt trẻ là không nên. Nếu sảy miệng thì cần dừng lại đúng lúc còn nếu biến thành thói quen, bạn nên xem lại. Lưu ý là với những hành động tiêu cực này, cha mẹ đừng lờ đi và hy vọng bọn trẻ không để ý, hãy thành thật nhận lỗi.