Vợ chồng Việt kiều cưỡng đoạt tiền của đồng hương

ANTĐ - Có nguồn thu cao từ xưởng may khá lớn ở ngoại ô Matxcơva (Nga), nhưng vợ chồng Phạm Thế Vinh, 39 tuổi và Nguyễn Hà Lan, 33 tuổi, vẫn tìm cách chèn ép những người đồng hương - đồng nghề khác, bằng cách dọa sẽ báo cảnh sát đến kiểm tra hoạt động kinh doanh nhằm chiếm đoạt tiền…

Ngày 19-3-2010, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga (LB Nga) có công văn gửi Bộ Công an phản ánh về tình hình cộng đồng người Việt sinh sống tại LB Nga, trong đó có một số người Việt đã lợi dụng việc kiểm tra của các cơ quan chức năng địa phương để “chỉ điểm” cho nhân viên trong lực lượng này, sau đó đòi tiền của bà con ta. Một trong những người đứng ra tố cáo hành vi tiêu cực trên là anh Hùng, 44 tuổi, quê Hưng Yên, hiện sống ở Matxcơva. Đối tượng bị anh Hùng tố cáo là Phạm Thế Vinh, cũng đang sống và điều hành một xưởng may ở ngoại ô Matxcơva.

Tháng 5-2010, đoàn công tác của cơ quan CSĐT Bộ Công an đã lên đường sang LB Nga. Ngoài anh Hùng, lực lượng công an còn tiếp nhận thêm đơn tố cáo của một số công dân Việt Nam khác đối với Phạm Thế Vinh và vợ là Nguyễn Hà Lan. Khẩn trương áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của vợ chồng Vinh - Lan. Cuối năm 2009, Vinh mở cơ sở may mặc tại ngoại ô Matxcơva. Quá trình triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, Vinh quen biết và làm phiên dịch cho một số Cảnh sát Nga. Cũng trong thời gian này, Vinh biết được anh Hùng và một số người Việt có mở cơ sở may mặc tại làng Kamenke, tỉnh Đimitrốp. Quá trình hoạt động, những xưởng may này có một số biểu hiện vi phạm như sản xuất hàng nhái sản phẩm thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Sáng sớm 4-3-2010, Vinh dẫn 7 nhân viên chức trách nước sở tại đến cơ sở may mặc của anh Hùng. Qua kiểm tra, nhà chức trách nước sở tại phát hiện một số bao tải chứa quần áo dán nhãn mác Adidas. Chiều cùng ngày, Vinh gọi điện cho anh Cường, người cùng hợp tác kinh doanh với anh Hùng, và yêu cầu anh Cường phải đưa anh Hùng đến nhà Vinh đưa tiền thì Vinh mới không báo tin tiếp cho nhà chức trách sở tại. Khi gặp nhau, Vinh trực tiếp đe dọa anh Hùng, nếu không chuyển tiền cho Vinh thì xưởng may sẽ không thể tiếp tục hoạt động.

Không nghĩ rằng Phạm Thế Vinh sẽ “nói thật làm thật”, anh Hùng không chấp nhận yêu sách của Vinh. Khoảng 4h ngày 1-4-2010, Vinh tiếp tục đưa cảnh sát sở tại đến cơ sở may mặc thứ hai của anh Hùng và anh Cường, cũng ở làng Kamenke. Trong khi nhà chức trách kiểm tra, Vinh liên tục ép anh Cường phải đưa 900.000 rúp, nếu không sẽ không để xưởng may hoạt động yên ổn. Theo tường trình của các bị hại, quá trình kiểm tra, nhà chức trách sở tại đã lập biên bản thu giữ hàng hóa, máy móc trị giá khoảng 5 triệu rúp.

Trước sức ép trắng trợn của Phạm Thế Vinh, trong vòng 1 tuần sau đó, các bị hại đã phải chuyển đủ 900.000 rúp thông qua vợ Vinh, Nguyễn Hà Lan. Toàn bộ số tiền này đã bị vợ chồng Vinh sử dụng hết. Sau khi bị bắt, Vinh - Lan khai nhận không có quan hệ tiền bạc với nhà chức trách nước sở tại; và hành vi đe dọa, chiếm đoạt tiền của đồng hương đều do Vinh chủ định.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiếp nhận 3 đơn tố cáo vợ chồng Phạm Thế Vinh, Nguyễn Hà Lan; gồm đơn của anh Minh, Giám đốc điều hành Công ty may ở TP Elechongly, tố cáo ngày 18-11-2009, Vinh dẫn một số người mặc thường phục đến khám xét công ty. Sau đó, Vinh ép chủ công ty phải nộp 70.000 USD mới được “tha”. Một nguyên đơn khác là chị Mai, chủ cơ sở may mặc ở TP Xôncôvơ; tố cáo đã phải chuyển cho Vinh 400.000 rúp mới được yên ổn làm ăn. Nguyên đơn thứ ba là anh Quang, chủ cơ sở may mặc ở ngoại ô Matxcơva, tố cáo đã bị Vinh ép phải nộp đủ 500.000 rúp. Theo tường trình của 3 nguyên đơn này, họ buộc phải chuyển tiền cho Vinh sau những lần kiểm tra của nhà chức trách sở tại.

Khi toàn bộ hành vi phạm pháp bại lộ, Phạm Thế Vinh đã bỏ trốn và bị Tổ chức CSHS quốc tế (Interpol) ra quyết định truy nã. Sau đó, Cảnh sát LB Nga đã bắt được Vinh, thực hiện lệnh tạm giam từ tháng 10-2012 đến 4-2013, rồi giao cho Văn phòng Interpol Việt Nam áp giải về Việt Nam. Về phần Nguyễn Hà Lan, đối tượng này cũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế và bị trục xuất về Việt Nam, hiện đã bị cơ quan CSĐT Bộ Công an thực hiện lệnh tạm giam. Quá trình điều tra vụ án, CQĐT thu thập đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội; và cho đến ngày 24-4 đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố vợ chồng Vinh - Lan về tội danh cưỡng đoạt tài sản.