Vợ chồng người lính thương binh xây miếu thờ đồng đội

ANTĐ - Trong một đợt tập kích của máy bay Mỹ cuối năm 1972, 23 thanh niên xung phong của Đại đội 555-N55-P18 đã hy sinh anh dũng tại đồi Con Công, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Một trong những người còn may mắn sống sót trong trận bom ấy là Đại đội phó Nguyễn Văn Dư. Tiếc thương những đồng đội đã ra đi khi còn quá trẻ, người cựu thanh niên xung phong ấy đã dành những năm tháng cuối đời xây dựng một ngôi miếu thờ để tưởng nhớ đồng đội. 
Vợ chồng người lính thương binh xây miếu thờ đồng đội ảnh 1

Những giờ khắc không thể nào quên

Bốn mươi bốn năm về trước, năm 1971, Đại đội thanh niên xung phong (TNXP) 555 là một trong số ít “đơn vị chủ lực” của tỉnh Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của đại đội là bảo đảm cho tuyến đường 15 huyết mạch thông suốt. Cách ngã ba Đồng Lộc gần 10km, đường 15 đi qua một khu vực sát với đập thủy lợi Vực Trống nơi đang bị địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt. Đơn vị của Đại đội phó Nguyễn Văn Dư nằm trên đồi Con Công là tâm điểm của của những trận bom Mỹ. Những TNXP trong đại đội của ông khi đó ngày nghỉ, đêm đi giành giật từng con đường với máy bay địch. Ngót một năm trời chiến đấu, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi đã trở thành những dũng sĩ thực thụ, dù gian lao hiểm nguy nhưng khắp các lán trại không bao giờ dứt tiếng hát tiếng cười. 

Ngày 13-11-1972, tiết trời đã trở lạnh. Một tốp máy bay cường kích bay xuyên qua sương mù phơi cái bụng lấp lánh giữa tầng không. Từ dưới hầm những cặp mắt trong veo của các o, các cậu nhìn lên tươi cười. Có o còn xòe tay chào trên mũi: “Tụi bay cứ bay cho thấp vào tau lấy sào chọc bụng”. Tiếng cười khe khẽ, rinh rích các cửa hầm. Tốp cường kích thả xuống một chùm bom. Theo kinh nghiệm chiến đấu lâu ngày, các TNXP đoán điểm bom rơi xa lắm. Tiếng bom nổ chưa dứt, mọi người đã nhấp nhổm ló ra cửa hầm. Đại đội phó Nguyễn Văn Dư khi đó từ trên lưng đồi Con Công quan sát thấy chùm bom của địch đã đánh trúng lán xăng của Ty Giao thông vận tải.

Khói đen bốc dày đặc. Đại đội phó Nguyễn Văn Dư nhanh chóng ra lệnh TNXP giữ nguyên vị trí trong hầm trú ẩn, nhiều khả năng địch sẽ đánh bom rải thảm. Thời gian như căng ra. Đất đá như đang gồng lên chờ làn bom quất. Và rồi, trận bom B-52 của địch sau đó đã đánh trúng đại bản doanh của Đại đội 555. Chân đồi Con Công phía Đông bị băm nát. Hầm của các nữ TNXP bị đánh trúng. Hầm của nam TNXP ở phía Nam đồi cũng bị đổ sập. Hầm của ông Dư có 3 người thì hy sinh một, bản thân ông Dư cũng bị một thanh sắt xuyên qua chân và tay gây ra chứng liệt nửa người sau này. Khói bom chưa tan tiếng chân người đã rầm rập, tiếng cuốc, tiếng xẻng, tiếng búa, tiếng gọi cồn cào nhưng đáp lại chỉ có sự im lặng đến ghê người.

“Làm để các em có nơi chốn đi về”

Chúng tôi gặp lại cựu TNXP Nguyễn Văn Dư tại nhà riêng ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Nhắc tới những ký ức chiến trường, và những người đồng đội cũ, nước mắt ông lăn dài trên má trong suốt buổi trò chuyện. Chúng tôi biết, trong giây phút này không nên nhắc quá nhiều đến quá khứ, đừng để những xúc cảm cứ cuồn cuộn bùng lên mãi. Nhưng, tôi vẫn phải hỏi ông một câu này: Vì đâu, vì động lực nào mà hai vợ chồng ông trong suốt 4 năm trời (từ 2009 đến 2012) nằm rừng, ngủ rú, lao động miệt mài để xây cho kỳ được miếu thờ liệt sỹ TNXP? Vẫn biết, nghĩa tình đồng đội sâu như biển, người ta có thể chia sẻ bằng nhiều cách… 

Ông Dư bưng tay che đi giọt nước mắt to, đục, tràn trên bờ má, rồi bùi ngùi tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, nếu tính “tuổi ta” đã 72, con cháu đề huề, yên ấm. Hơn chục năm qua, mỗi khi có người thân, đồng đội mời đi cưới con hay đi mừng thọ, tôi lại nhớ đến mấy em. Các em hy sinh lúc còn trẻ quá. Mỗi gương mặt, mỗi giọng nói tiếng cười còn hiển hiện trong tâm trí như mới ngày hôm qua. Tôi nghĩ các em là liệt sỹ, được cả xã hội ta tri ân trả nghĩa. Nhưng có những em mất mộ phần, người nhà không  còn ai chăm nom nên tôi phải làm! Làm để các em có nơi đi chốn về”.

Chúng tôi theo ông đến miếu thờ 23 liệt sỹ TNXP Đại đội 555-N55-P18 tại đồi Con Công. Từ nhà ông Dư lên đây hơn 20km. Miếu nằm cách đường 15 gần 4km. Đường vào mới được làm, đổ bê tông kiên cố, có cầu vượt qua ngầm con suối chảy từ hồ Vực Trống. Có thể nói là đường đi khá thuận tiện. Song nếu nhìn vào hai bên bờ đường còn mới và địa hình, địa thế khu vực xung quanh, người ta cũng dễ hình dung đây là vùng nhiều gian khó. Hỏi ra mới biết việc xây dựng ngôi miếu này đã kéo theo con đường cùng với nguồn điện hạ thế, người dân quanh vùng được hưởng lợi cũng từ đây. Chúng tôi ngắm nhìn ngôi miếu khang trang, xây dựng trên thửa đất 1000 mét vuông, có tường bao vững vàng, cây đã lên um xanh phủ bóng, lòng thầm cảm phục sức lực phi thường của hai vợ chồng cựu TNXP già. 

Dự định thì có từ lâu lắm rồi, nhưng đến tháng 7-2009 được sự hỗ trợ về tài chính cũng như phối hợp của Hội cựu TNXP tỉnh, ông Dư mới có cơ sở thực hiện. Bốn mươi năm vết tích chiến tranh đã bị thời gian xóa mờ, nhưng trí nhớ của ông Dư thì vẫn còn rõ ràng lắm. Ông tìm được nóc hầm của nhà chỉ huy đại đội nhưng khảo sát địa hình mới thấy khó khăn chồng chất. Mấy xóm xung quanh không có điện lưới, thiếu nước, đất đầy những vỉa đá cứng, đường đi lối lại gần như không có. Ông cùng con cháu trong nhà tự dựng cột bê tông kéo 700m đường điện hạ thế, xin dân hiến đất mở đường. Lúc đầu mọi người còn nhìn ông với ánh mắt xa lạ, kỳ dị, có người tặc lưỡi: “Tuổi già không nghỉ ngơi mà vào rừng lọ mọ như vậy làm gì?”. Nhưng rồi họ cũng hiểu và ủng hộ ông. 

Bốn năm và hai mươi bốn tháng…

Bốn năm trời ngày mưa cũng như nắng, ông và vợ cùng ăn cùng ở cùng làm với thợ. Mùa khô thiếu nước, thợ bỏ việc, ông động viên từng người. Nhiều anh thở hắt: “Con biết là việc nghĩa, nhưng không có nước thì làm sao chúng con sống nổi?”. Ông đi khắp vùng tìm nhà nào giếng còn nước gom từng xô, từng gàu mang vào nuôi thợ. Mùa mưa đường trơn trượt, cánh lái xe tải chở vật liệu từ chối không đi. Hai ông bà già lại lọ mọ khuân từng viên gạch, từng cân xi măng, xếp vào chiếc xe bảy chỗ của nhà, chở đến tận chân công trình. Gặp đá cứng, thợ xúc chán nản, ông lại tự mình leo lên lái, kiên nhẫn cạp từng tấc đất đá làm móng cho ngôi đền.

Ông đầy kiên định đầy ý chí. Bên ông luôn có bà Trần Thị Nhỏ, người vợ và cũng là người đồng đội năm xưa, kề vai sát cánh. Chúng tôi bày tỏ sự cảm phục. Bà cười thẹn rồi nói thật rành rọt từng từ: “Ông ấy nhiều khi cứ tham công tiếc việc, chưa ngủ đã trông trời sáng để đi làm. Tôi chỉ lo hậu cần cơm nước có đáng kể chi”. Sau bốn năm, ngôi miếu đã thành hình, thợ rút hết, chỉ còn lại hai ông bà. Lúc này đường đã có, giếng đã đào, điện đã sáng, hai người già lại túc tắc đem đủ thứ cây trong vườn nhà lên trồng, mang gạch lên lát.

Hai năm trở lại đây, ông bà đã trồng được khoảng 100 cây xanh quanh miếu, lát được 25.000 viên gạch khắp xung quanh. Sáu năm trôi qua, trong đó 4 năm dựng công trình, 2 năm làm đẹp công trình, ngôi miếu thờ 23 liệt sỹ TNXP có được quang cảnh thanh nhã, tôn nghiêm của hôm nay có công rất lớn của hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Dư và bà Trần Thị Nhỏ. 

Ông Nguyễn Văn Dư đốt nắm hương cháy bùng trong lửa, mùi hương miền Trung khác lắm. Lúc mới đến đây, chúng tôi thoáng ngửi thấy mùi hương miền Bắc, hỏi dân, được biết có mấy anh bộ đội vừa ghé vào. Giữa trưa một cơn mưa bóng mây bất chợt. Lư hương bùng cháy, tôi thấy những hạt mưa rơi trong làn nước mắt, ánh lên tia lửa, như dệt những sợi vàng. 

Các o, các cậu hy sinh trong trận bom đó còn trẻ lắm, đa phần tuổi mới ngoài đôi mươi, o Lý, o Từ, cậu Hải, cậu Tân tuổi mới vừa mười tám.

Người xa nhất quê ở Thái Bình là cậu Đức, các cậu các o còn lại đều là người Hà Tĩnh. Hai mươi ba người hy sinh nhưng chỉ có 14 ngôi mộ. Và thậm chí trong nhiều ngôi mộ chỉ còn nắm tóc. O Đặng Thị Từ nhà một mẹ một con, người mẹ hóa điên, o không còn ai thân thích. Hương hồn o biết đi đâu, về đâu? Rồi bao nhiêu người không tìm được thân xác, máu của họ, xương của họ đã hòa vào cùng những tuyến đường nâng bước những đoàn quân rầm rập hướng về nam diệt giặc, cứu nước nhà. 

Miếu 23 liệt sỹ TNXP được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2014. Việc quản lý ngôi miếu này được giao cho UBND xã Phú Lộc (huyện Can Lộc). Người dân trong xã đều biết sự tích về trận đánh đồi Con Công, biết sự hy sinh của những người TNXP năm đó. Nhưng xã nghèo, dân nghèo. Niềm thương nhớ có chăng cũng chỉ chờ dịp lễ Tết, tìm vào đây thắp nén nhang trên bờ đá, dưới gốc cây. Mỗi lần nhìn thấy những chân hương thắp cho những vong hồn như thế, lòng ông Nguyễn Văn Dư đau quặn.

Ông viết hai mươi ba đoạn thơ lục bát, kể nguồn tích, quê quán khấn từng người, ví như đoạn này: “Phạm Thị Hòa-Hồn thiêng linh/ Kỳ Anh-Kỳ Lợi-Quê mình yêu thương/ Nguyện xung phong ra chiến trường/ Đem hai mốt tuổi mở đường tương lai”. Trong chiều hoang giữa núi rừng, nghe tiếng thơ, tim chúng tôi thắt lại. Giờ, chúng tôi đã hiểu động lực nào đã giúp người cựu TNXP già làm được kỳ công đấy. 

Miếu thờ nằm giữa rừng, mấy năm gần đây đã bớt cô quạnh vì qua lời giới thiệu của các thuyết minh viên bên Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc nhiều người đã tìm vào viếng. Ngoài ra, hàng năm các cựu TNXP cũng lấy nơi đây làm chỗ gặp gỡ. Mỗi dịp Tết đến xuân về, ngày lễ, ngày tri ân đều có người lên thắp hương tưởng niệm phần nào an ủi vong hồn các liệt sỹ.