Vợ chồng con trai út, hè nhau bạo hành mẹ già 68 tuổi

ANTĐ - Bà Bùi Thị M. với gương mặt đờ đẫn tìm đến trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ huyện Gia Lâm để cầu cứu các tư vấn viên, mong được hỗ trợ để thoát khỏi ám ảnh cuộc sống với người con trai và con dâu.

Thương con gái, bị con trai đuổi ra ăn riêng

Bà M. sinh ra và lớn lên ở vùng đất chiêm trũng Hà Nam, năm 23 tuổi, bà lấy chồng cùng làng. Ông bà sinh được 6 người con, 5 con gái đầu lòng và con trai út. Năm 2003, chồng bà M. qua đời vì bệnh ung thư phổi. Từ đó, bà M. sống cùng vợ chồng người con trai út. Dù gần bước sang tuổi thất tuần nhưng bà vẫn phải lặn lội ra đồng làm các công việc đồng áng. Con trai và con dâu của bà M. đều đi làm công nhân ở khu công nghiệp nên hàng ngày, bà M. làm luôn nhiệm vụ chăm sóc 2 cháu nội.

Mấy cô con gái của bà đều lấy chồng xa. Con dâu bà vốn ghê gớm, biết tính nên bà luôn nhịn con cho êm cửa, êm nhà. Cuộc sống của bà M. khá yên ấm cho đến khi chị Thảo - người con gái áp út của bà bị gia đình nhà chồng trả về. Chị Thảo từ nhỏ đã bị bệnh động kinh nhưng lên Lào Cai làm thuê từ lâu và đã lấy chồng ở trên đó. Tưởng thế là yên ổn, nhưng từ ngày sinh con, chứng động kinh của Thảo tái phát nên gia đình nhà chồng Thảo đã đưa chị về quê cho mẹ già chăm sóc.

Từ ngày chị Thảo đến ở cùng, mâu thuẫn chị chồng, em dâu luôn diễn ra trong nhà. Biết tính chị không ổn định tâm lý nhưng vợ chồng người em luôn tìm cách gây sự để đuổi chị đi cho rảnh nợ. Bà M. và cô con gái bệnh tật bị con trai cho ra ăn riêng với số tiền ít ỏi hỗ trợ từ sổ người bệnh mạn tính của chị Thảo. Cho mẹ già và chị đau yếu ra ăn riêng, người con trai lớn tiếng quát: "Từ nay thân ai người nấy lo, tôi không phải là nơi gánh nghiệp cho cả nhà" - nghe lời đứa con trai dứt ruột đẻ ra nói thế, bà M. chỉ còn biết khóc ròng. Chỉ có một cậu con trai duy nhất, bà yêu chiều nó từ khi còn thơ bé, lúc nào cũng là nhất trong nhà. Không biết có phải vì thế không mà tính ích kỷ đã ngấm vào con trai bà?

Ảnh minh họa

Ngày nào bà M. cũng lặn lội mò cua, bắt ốc mang ra chợ bán để kiếm thêm đồng ra đồng vào cho 2 mẹ con. Mặc dù ăn riêng, nhưng bà M. vẫn phải làm nhiệm vụ trông các cháu nội. Con trai và con dâu bà đều buộc con cái vào bà nội với lý do "bà không trông cháu bà thì trông ai". Vậy là, bà M. có bận bịu mấy thì đến bữa cơm vẫn phải lo cho các cháu ăn uống và đưa chúng đến lớp mầm non.

Con dâu, con trai đánh mẹ già vì làm cháu ngã

Vào một ngày cuối tháng 4 vừa qua, bà M. bận nấu cám cho lợn nên đứa cháu 3 tuổi đã bị ngã từ trên hành lang xuống dưới sân. Thấy con bị ngã đau, người con trai lao đến đạp vào bụng và sườn của bà M. vì cái tội "trông cháu cũng không xong". Thấy chồng đánh mẹ, người con dâu cũng lên mặt nhảy vào tát mẹ già để dằn mặt: "Lần sau có trông cháu thì phải cẩn thận".

Gần 1 tháng đứa trẻ bó bột vì trật khớp là những ngày tháng bà M. sống trong cảnh chửi bới của con trai và con dâu. Mỗi khi thấy bà đi mò ốc về, người con trai lại lao ra cầm rổ ốc của mẹ ném đi "ai mượn bà đi bắt những thứ này. Việc của bà bây giờ là trông chúng nó để tôi còn đi làm ăn", đó là câu nói của con trai thường xuyên trút xuống người mẹ già.

Uất ức trước hành động của em trai, chị Thảo đã bỏ nhà vào miền Nam với chị gái, để lại một mình bà M. đối phó với những đứa con ngỗ nghịch. Mất chỗ dựa là cô con gái bệnh tật, bà M. trở nên ít nói, ít ra ngoài hơn. Hễ gặp ai hỏi thăm chuyện gia đình là nước mắt bà lại lăn dài. Có những lúc, bà nghĩ đến chuyện bỏ nhà vào Nam với các con gái, hoặc đi làm ôsin trên Hà Nôi vừa có đồng ra, đồng vào, lại vừa không bị con cái mắng chửi.

Nghe vợ, con trai của bà M. đã dựng một túp lều bằng bạt ở ngoài vườn và đuổi bà M. ra vườn ở để bà "biết khổ mà thay đổi tính cách, chăm cháu cẩn thận". Nhìn chiếc lều dựng lên, hàng xóm láng giềng ai cũng xót xa cho người mẹ già đau khổ. Hội phụ nữ đến can thiệp thì con trai bà đóng cổng, thả chó đuổi họ về.

Sống trong căn lều rách nát, bà M. sinh ra ốm đau liên miên. Vào tết mùng 5/5 âm lịch, khi con cháu về nhà ngoại, bà M. đã khăn gói bỏ trốn lên Hà Nội để tìm việc làm. Những ngày đầu lên Thủ đô, bà lang thang ở quanh bến xe Giáp Bát. Có một bà bán nước trà rong thương cho hoàn cảnh của bà M. nên đã giới thiệu bà vào trông con cho một gia đình trong phố Định Công. Mỗi khi nhớ nhà, bà lại khóc. Giận các con bất hiếu nhưng bà vẫn muốn trở về chăm các cháu và được nhìn thấy con cái khỏe mạnh làm ăn.

Khi nghe bà M. kể về cuộc sống của mình với người con trai và con dâu bất hiếu, gia đình chị Bùi Thị Hương, nơi bà làm giúp việc đã đưa bà sang trung tâm tư vấn để nhờ chuyên gia giúp đỡ tìm cách đưa bà trở về với quê hương.

Khi nghe tư vấn viên nói đến chuyện nhờ chính quyền can thiệp, bà M. đã vội vàng: "Xin các bác đừng làm thế, con tôi nó còn dại. Tôi chỉ muốn nó hiểu những hành động của chúng là bất hiếu, sẽ bị người đời chê trách chứ không muốn chúng bị mang tiếng bạo hành mẹ già". Lúc này, tư vấn viên chỉ còn biết lắc đầu thở dài, đúng là "nước mắt luôn chảy xuôi".

(* Tên nhân vật đã được thay đổi)