Vợ chồng cãi vã do thiếu yêu thương

ANTĐ - Không ít cặp vợ chồng cãi nhau như cơm bữa vì những chuyện lặt vặt. Nhưng họ không hiểu, đằng sau các câu chuyện cãi cọ, là những nỗi bức bối về cảm xúc không được giải quyết. 

Chuyển nhỏ hóa to

Thời gian gần đây, anh Trần Công Minh (42 tuổi, Đống Đa) không hiểu sao gia đình cứ như chảo ngô rang, sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào. “Vợ chồng cứ nói với nhau được vài ba câu là thấy bực bội, khó nghe đến mức cãi nhau tưng bừng. Mỗi ngày một trận nhỏ, ba ngày một trận lớn, gia đình cứ như “trận địa” – anh Minh phàn nàn. 

Chẳng hạn như hai vợ chồng vừa ăn tối xong, cùng ngồi uống nước, ăn hoa quả, xem phim hài, khá vui vẻ. Bộ phim nói về chuyện chọn trường cho con. Anh Minh rung đùi bảo, mình nên cố cho con đi du học, tốn kém nhưng “đắt xắt ra miếng”. Thế là vợ anh liền lo lắng nói như vậy thì sẽ rất tốn, phàn nàn chuyện giá thực phẩm tăng cao, tiền điện, tiền nước… Chồng thì chạy rông suốt ở ngoài đường, nào biết đến nỗi khổ của vợ… Anh Minh bực mình, giải thích rằng mình có chạy ngoài đường cũng chỉ vì lo cho gia đình. Phụ nữ lúc nào cũng chỉ ăn mà không biết đầu tư cho tương lai. Vợ lại “chém chả” rằng, 1 việc cho gia đình thì 3 việc cho cá nhân. Tiền kiếm được thì đổ vào quán bia chứ vợ con nào có được nhờ…  Anh Minh lại vằn mắt lên nói phụ nữ không biết làm vợ, lúc nào cũng chê chồng, giỏi thì đi lấy thằng khác, rồi hất tung đĩa hoa quả, đạp đổ mấy cái ghế.

Hai đứa con đang vui, phải co rúm vào một góc, ngơ ngác nhìn cha mẹ… “Anh ấy không hiểu nổi sự vất vả vì gia đình của tôi. Mỗi tháng đưa về cho vợ 10 triệu đồng là coi như hết trách nhiệm. Trong khi mọi thứ chi tiêu lên giá vù vù, tôi còn phải chu cấp cho một cô em chồng đang học đại học. Anh ấy coi như vợ sướng mà không biết đường hưởng” – chị Thảo, vợ anh Minh phàn nàn. Anh Minh cũng bực bội: “Cô ấy lúc nào cũng coi tôi bất tài, kém cỏi, không kiếm đủ tiền chu cấp cho vợ con. Đã thế còn lười nhác, ham chơi, chỉ bày bừa cho cô ấy hầu. Lúc nào câu chuyện cũng quay về nội dung cũ rích ấy. Trước đây vợ tôi luôn ngoan hiền, rất hưởng ứng quan điểm của tôi. Nay, cô ấy thật ương ngạnh và coi thường tôi. Bất kể điều gì tôi nói cô ấy cũng khó chịu. Mà tôi thì có gì thay đổi đâu, công việc còn thăng tiến tốt đằng khác…”.

Rất nhiều cặp vợ chồng, sau 5-7 năm cưới nhau bỗng trở nên khó chấp nhận nhau, thường xuyên cãi vã vì những chuyện không đâu. “Bí mật trong các cuộc cãi vã rất đơn giản nhưng ít người nhận ra. Ban đầu, họ chỉ “vui vui” tranh luận với nhau về những điều nhỏ nhặt, cũng không cần biết đúng sai. Nhưng 5 phút sau, cuộc tranh cãi nho nhỏ lại bùng thành cơn giận dữ. Đó chính là vì họ ghét “cái thái độ” chứ không phải câu chuyện mà bạn đời muốn nói”, ông Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn cho biết. 

Thiếu cảm xúc

TS Phan Quốc Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt Group  đưa ra ví dụ: ông dùng một tờ giấy trắng, chấm lên đó một vết mực nhỏ và hỏi rất nhiều người: “Bạn nhìn thấy điều gì?” thì hầu hết mọi người đều nói: “Vết mực đen”. TS Việt cho biết, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng cũng như vậy. Sau khi cãi nhau, thông thường mọi người đều nhìn thấy vết mực mà quên đi hẳn tờ giấy trắng. Mọi cặp vợ chồng đều có xu hướng tìm ra khuyết điểm của nhau, thổi phồng sự khác biệt và cơn giận dữ mà quên đi rằng họ đã lấy nhau vì nhìn thấy rất nhiều ưu điểm ở nhau. 

Theo TS Việt, điều mà các cặp vợ chồng cần để ý là thái độ chứ không phải là sự việc. Khi người chồng cảm thấy bị vợ khiêu khích, thách thức thì anh ta sẽ tập trung vào lí lẽ mà quên đi tình cảm đối với vợ. Còn người vợ thì thấy, giọng điệu của chồng thật thiếu sự tôn trọng và yêu thương, chia sẻ. Do đó, chồng có nói lí lẽ đúng thì cô ấy cũng không muốn nghe, cũng muốn “cãi chày cãi cối” cho bằng được. Lúc này, người vợ không cần biết đúng sai mà chỉ muốn người chồng hiểu được tấm lòng của mình. Còn người chồng lại thấy vợ thật ngang ngược, vô lối, khiến anh ta bị mất thể diện. “Hầu hết những cuộc tranh luận leo thang khi người chồng làm cho những suy nghĩ của người đàn bà không còn giá trị và cô ta phản ứng lại bằng việc không tán thành” – TS Việt lý luận. 

“Lúc đó, tôi chỉ muốn chia sẻ với anh ấy rằng, nếu cho con đi học như vậy thì tôi sẽ phải tính toán lại chi tiêu trong gia đình. Anh ấy cũng nên có cách để giải quyết cùng tôi. Nhưng ngay lập tức, chồng tôi tỏ ý cho rằng suy nghĩ của tôi thật ngớ ngẩn. Anh không hiểu suy nghĩ của tôi. Ngày trước, anh ấy luôn lắng nghe tôi nói, tỏ ý lo lắng, quan tâm tới những khúc mắc, mệt mỏi của tôi. Giờ thì anh ta luôn cho rằng tôi phức tạp hoá vấn đề, rắc rối, “đúng là đàn bà”. Không ít lần anh ta nói thẳng thừng: “Sao cô cạn nghĩ thế. Cô không khá hơn được à?”. Trong mắt anh ấy, tôi chỉ là mụ vợ lắm điều, xấu xí, đáng chê trách” - chị Thảo phàn nàn. 

Theo TS Việt, để chấm dứt cuộc tranh cãi chỉ cần một người biết dàn hòa, thậm chí chỉ cần im lặng. Nếu thấy cuộc trò chuyện bắt đầu “nóng”, một người nên chủ động dừng lại và thư giãn, đợi đến lúc “nguội” thì nói chuyện lại, với thái độ cởi mở, tôn trọng và yêu thương. Thiếu yêu thương mới là nguyên nhân chính của tất cả mọi cuộc cãi vã.

“Cuộc tranh cãi của hai vợ chồng giống như hai người đang cùng kéo căng một sợi dây chun, cả hai người cùng kéo, căng đến mức sợi dây đứt, bật vào tay hai người, cả hai người đều đau, nếu một người buông sớm thì người kia sẽ đau, chứ bản thân không đau và lý tưởng nhất là hai người cùng buông để tránh làm tổn thương lẫn nhau” – TS Phan Quốc Việt.