Vợ chồng bỗng thành... người dưng

ANTĐ - Cuộc sống sung túc, giàu có tưởng chừng sẽ khiến mọi người hạnh phúc. Nhưng đối với nhiều người, khi tiền vào qua cửa chính cũng là lúc hạnh phúc đi ra bằng cửa sổ. 

Hạnh phúc cần được sự vun vén bằng sự quan tâm, săn sóc và tiếng cười mỗi ngày

Của đầy, tình vơi

“Ngày trước, sáng dậy, hai vợ chồng chia nhau bát mì tôm mua cân, úp với nước sôi, nhạt hoét, nhìn nhau cười rồi đi làm mà vẫn vui vẻ, khỏe mạnh. Ngày nay, người nào việc nấy, mặc xong quần áo, chẳng buồn nhìn mặt nhau rồi ra đường ăn bát phở, ít bánh nhiều thịt. Thế nhưng tâm trạng lúc nào cũng ấm ức, mệt mỏi. Nhìn thấy chồng như nhìn thấy cái gai trong mắt. Nhìn con chỉ thấy cục nợ” – chị Trần Bích Hạnh (Ba Đình) phàn nàn với đồng nghiệp.  

Cũng cùng tâm trạng, chị Lê Thu Thủy (Đống Đa) góp chuyện: “Nói là ngày xưa nhưng mới 3 năm trước thôi. Hai vợ chồng em thuê nhà để ở, đi chung cái xe máy. Sáng chồng chở con đến trường, chở vợ đi làm. Chiều cả gia đình lại bon bon trên một chuyến xe về nhà. Vừa đi, vừa nghe con bi bô, nghe vợ kể chuyện phiếm, chồng tán gẫu, cười từ lúc gặp nhau đến lúc đi ngủ. Thế rồi, mở đường, ông bà được đền bù mấy chục tỷ đồng, cho hai vợ chồng 3 tỷ. Mua nhà, mua xe đẹp, điện thoại sành điệu, nội thất tiện nghi. Đời lúc đó tưởng lên tiên, cứ nghĩ hạnh phúc không gì bằng. Nhưng hiện nay thì mở mắt ra chồng đi đằng chồng, bỏ mặc vợ loay hoay với con. Tối đến, chồng cũng lấy cớ đi tiếp khách, 8-9h mới về trong mùi bia rượu. Những lúc ngồi một mình bên mâm cơm lạnh lẽo, em chỉ ước được “nghèo” như ngày xưa”. 

Ngay cả câu chuyện giữa hai vợ chồng chị Thủy cũng trở nên gượng gạo. Ngày xưa, chồng nói vợ gật, vợ nói chồng hưởng ứng. Vậy mà, giờ chồng buông câu gì vợ cũng thấy khó nghe, vợ mới đề nghị nho nhỏ, chồng đã phản đối. “Cứ như hai người xa lạ, sống bao năm với nhau lại hóa người dưng” – chị Thủy thở dài.  Đồng nghiệp xung quanh đều gật gù, tự hỏi tại sao lại mâu thuẫn với nhau như vậy. Vật chất đầy đủ, cuộc sống nhàn hạ hơn, ai cũng trẻ ra, xinh ra. Nhà to, xe đẹp, tiền tiêu rủng rỉnh, đồ đạc chật ních nhưng hôn nhân lại lạnh lẽo, đời sống tình cảm lại rỗng tuếch, mệt mỏi. 

Ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Cộng đồng và trẻ em (CDECC) cho biết: “Chất đầy trong nhà đồ đạc đắt tiền, khoác lên người các bộ cánh sành điệu, nhiều người vẫn không hiểu sao cuộc sống của mình lại quá chật chội và mệt mỏi như vậy. Tuy nhiên, khi giá tiền, kích thước, nhãn mác trở thành thước đo của nhiều cặp vợ chồng thì hạnh phúc cũng trở nên hư ảo, mong manh. Phần lớn các cặp vợ chồng đều lấy nhau vì tình cảm, cùng đồng cam cộng khổ để xây dựng kinh tế gia đình, hy vọng vợ (chồng) mình, con mình được đầy đủ, sung túc, nhàn hạ, vui vẻ hơn. Đến khi có tiền thì họ lại quên mất mục tiêu ban đầu của mình, bèn lấy tiền, lấy đồ đạc để lấp những khoảng trống tình cảm mà mình cảm thấy thiếu hụt. Các cặp vợ chồng cũng không có nhiều thời gian chia sẻ, tâm tình với nhau nên chỉ lấy nhau về một thời gian ngắn là trở nên xa cách. Những sự mất mát đó như một quả bóng bị xì hơi, mỗi ngày bị mài mòn đi một ít, đến lúc nhận ra sự thay đổi, cảm thấy hối tiếc về sự mất mát thì dường như đã khó cứu vãn”. 

Tài khoản tình yêu

Chị Thúy cho biết, chị luôn thèm được nói chuyện với chồng như ngày xưa, những chuyện vui vẻ về bộ phim hay, quyển sách thú vị. Nhưng điều đó gần như không tưởng. Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, hầu hết các cặp vợ chồng khi yêu nhau, lấy nhau đều khó khăn, thậm chí chỉ có “một mái lều tranh hai trái tim vàng”. Hai vợ chồng thương yêu nhau, chỉ mơ kiếm được nhiều tiền để vợ đỡ khổ, chồng đỡ cực. Nhưng trên con đường mải miết kiếm tiền mà quên chăm lo cho hạnh phúc hoặc đem cái mệt mỏi, bực dọc từ bên ngoài về gia đình, vậy là hạnh phúc, tình yêu cứ ngấm ngầm vơi cạn đi. 

Vợ trách chồng chỉ biết quẳng một cục tiền về cho gia đình rồi nhậu triền miên, chơi tối ngày, bỏ mặc vợ với nặng gánh gia đình, cũng không biết ga lăng tặng hoa nhân ngày lễ, cũng chả biết nói một tiếng “em” thật ngọt ngào. Nhưng trách người phải trách mình. Chồng về sớm, cao hứng hôn vợ một cái thì vợ gắt: “Hôm nay lại làm gì có lỗi hả, hay tòm tem với con nào”. Chồng về muộn, mỏi mệt lại cà khịa: “Anh tưởng cái nhà này là nhà trọ còn tôi là người giúp việc à?”. “Nhiều người quan niệm “đã là vợ chồng cần gì phải khách khí”.

Nhưng chính sự xuề xòa, đơn giản đến thô thiển lại ngấm ngầm giết chết tình yêu” – ông Hòa khẳng định. 

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa cho rằng, tình yêu như tài khoản ngân hàng, mà hàng ngày, bạn phải gửi vào đó sự quan tâm, săn sóc, những lời nói yêu thương và tiếng cười. Nhiều sự quan tâm thì hôn nhân của bạn sẽ “giàu”, còn nếu để cho sự bận rộn, sự thờ ơ, thiếu tình thân lấn át thì hôn nhân sẽ nghèo nàn, đến mức phải đóng “tài khoản tình yêu”. 

Nhưng đáng tiếc hạnh phúc thường bị đặt sau tất cả nỗi lo lắng và thú vui khác. Bạn luôn tự nhủ rằng nếu mình bận làm ăn không về nhà sớm thì vợ cũng không biến mất, hoặc nếu bạn quên mua hoa cho vợ vào ngày sinh nhật thì cô ấy cũng sẽ không giận dỗi quá lâu, không vì điều đó mà đòi li dị, con bạn không đi chơi hôm nay thì còn ngày mai... “Đó là khởi đầu của mọi rắc rối và các cuộc cãi cọ triền miên của các cuộc hôn nhân” – ông Hòa cho biết.