Vở cải lương “Duyên kiếp Bạch Trà”: Một màu trắng tinh khôi

ANTĐ - Màu trắng tinh khôi, thuần khiết của loài hoa bạch trà cao quý đã được nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai lấy làm hình tượng cho tấm lòng thủy chung, dâng hiến trọn vẹn vì giang sơn Đại Việt của nàng công chúa nhà Trần - Huyền Trân.    

Nhiều lớp cảnh đẹp đã được tạo dựng để tôn vinh công chúa Huyền Trân


Góc nhìn của người phụ nữ hiện đại

Vở cải lương “Duyên kiếp Bạch Trà” được cảm tác từ tiểu thuyết “Công chúa Huyền Trân” của nhà văn Hoàng Quốc Hải và do các nghệ sỹ của đoàn cải lương Hoa Mai thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng. Tưởng chừng một vở diễn lịch sử sẽ khó xem song bằng ngôn ngữ của nghệ thuật cải lương và nhiều thủ pháp nghệ thuật, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã khiến “Duyên kiếp Bạch Trà” trở nên mềm mại và uyển chuyển. Đó là một vở diễn đầy nữ tính, nhẹ nhàng chuyển tải những sự kiện lịch sử và tư tưởng của nhà văn đến với người xem.

Vở diễn không nhấn mạnh đến yếu tố chính trị mà biến những điều đã được sử sách ghi chép lại trên sân khấu của nghệ thuật cải lương thành cảm xúc của con người với con người. Với góc nhìn của người phụ nữ hiện đại, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai thể hiện cái nhìn đầy lòng trắc ẩn và đồng cảm với số phận của người phụ nữ xưa - công chúa Huyền Trân. Sự đồng điệu về tâm hồn của 2 người phụ nữ cách xa nhau hàng thế kỷ đã giúp chị tạo nên những lớp cảm xúc, dâng trào nhiệt huyết.

Vở diễn khó khăn nhất!

Có lẽ cũng vì điều đó mà vở diễn đã tiêu tốn của chị 2 tháng ấp ủ với nhiều ý tưởng và sự cầu toàn. Và đó cũng là vở diễn mà chị chật vật nhất ở một mảng đề tài vẫn được coi là thế mạnh - các vở diễn có đề tài lịch sử. Những lớp cảnh giàu tính nghệ thuật đã xây dựng một hình tượng đẹp và trân trọng về Huyền Trân công chúa. Thấu hiểu nỗi đau lứa đôi bị chia cắt của công chúa Huyền Trân, đạo diễn sử dụng đến hình ảnh biểu trưng: cây cầu bị chia đôi và đứng trên đỉnh cao nhất của cây cầu ấy là 2 con người yêu thương nhau hết mực nhưng vì giang sơn, vì đất nước, đôi lứa ấy sẵn sàng chia lìa. Và cây cầu  chỉ trong chốc lát được nối lại và biến thành con thuyền đưa công chúa đến với người chồng ở nước Chiêm Thành, thể hiện mối bang giao giữa 2 đất nước. Đặc biệt, sự cố gắng học hỏi nền văn hóa Chăm của công chúa Huyền Trân để thích nghi với cuộc sống mới đã được tôn vinh ở lớp cảnh tạc tượng điêu khắc Chăm. Lớp cảnh không chỉ đẹp về mặt tạo hình với sự sống dậy của những pho tượng mà còn cho thấy sự trân trọng và hiểu biết nền văn hóa Chăm của công chúa Huyền Trân.


Cái kết lửng

Tư tưởng của Phật giáo chiếm lĩnh thời nhà Trần cũng  được đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đặc biệt lưu tâm thể hiện trong vở diễn. Chị đã mở màn bằng tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ và kết thúc cũng bằng những âm thanh này. Dường như tất cả những nỗi đau khổ, chia cắt của công chúa Huyền Trần với người mình yêu, với đất nước đều được hóa giải. Đạo diễn tạo ra một cái kết lửng, không muốn nói tiếp những điều thế gian vẫn thường bàn luận sau khi công chúa trở về Đại Việt. Bởi chị muốn giữ một màu trắng thật tinh khiết về công chúa Huyền Trân trong lòng khán giả, một người phụ nữ mà mỗi nhành cây ngọn cỏ của đất Việt đều thấm đẫm tâm hồn Trần Huyền Trân. Hoàng Quỳnh Mai đã khép lại vở diễn bằng câu nói của công chúa: “Tôi sẽ tìm đến một ngôi chùa để ẩn tu mong có được an lành ở kiếp sau”. Cái kết lửng ấy mang đến khán giả cái buồn man mác về đóa bạch trà tinh khôi của Đại Việt đã dâng hiến tình yêu cho giang sơn gấm vóc. Và có lẽ cũng vì cái kết lửng như vậy nên vở diễn chỉ lấy tên gọi thật khiêm tốn “Duyên kiếp Bạch Trà”.