Vĩnh biệt nhà văn Nghiêm Văn Tân- tác giả "Đài hoa tím" viết về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà văn Nghiêm Văn Tân, tác giả của “Đài hoa tím”-tập tiểu thuyết ký sự đầu tiên viết về 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc, đã qua đời vào lúc 22 ngày 20/1/2022 tại nhà riêng, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhà văn Nghiêm Văn Tân bị tai biến từ năm 2005, sức khỏe yếu dần. Ông sinh năm 1940 tại Hà Nội. Cha ông là người bình dị có một chút Tây học làm việc văn phòng ở trường Albert Sarraut. Ông có làm thơ, viết văn nghiệp dư cùng thời nhà thơ Tú Mỡ và nhà văn Bùi Huy Phồn.

Năm 1959, học hết lớp 10, ông vào nông trường Đồng Giao, Ninh Bình làm công nhân đo đạc.

Năm 1960, ông lên khu gang thép Thái Nguyên làm thợ lò. Năm 1968 và năm 1969, ông được về học khóa 3 trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội.

Bạn học cùng khóa với ông là những nhà văn nhà thơ rất nổi tiếng như: Liên Nam, Hồng Nhu, Nguyễn Trí Huân, Bùi Công Bính, Sỹ Hồng, Nghiêm Đa Văn, Phạm Đức, Nguyễn Phan Hách…

Năm 1978, ông được điều động về làm phóng viên báo Quản lý văn hóa ở Hà Nội rồi về Nhà văn hóa Trung ương cho đến khi về hưu.

Nhắc tới nhà văn Nghiêm Văn Tân, nhiều người sẽ nhớ tới "Đài hoa tím"- tiểu thuyết ký sự đầu tiên viết về 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc vào lúc 16h40 ngày 24-7-1968.

Để có được 200 trang bản thảo “Đài hoa tím”, nhà văn đã bỏ ra hơn 10 năm trong đời cầm bút viết văn. Có thể nói đây là tác phẩm nổi bật mà ông đã viết với tất cả tinh hoa của đời mình.

Năm 1968, khi nghe tin 10 nữ thanh niên xung phong Tiểu đội 4 Đại đội Thanh niên xung phong 552 hy sinh anh dũng ở ngã ba Đồng Lộc, ngay lập tức, ông xin được đi vào Hà Tĩnh để lấy tài liệu viết về 10 nữ anh hùng đó. Hồi đó xe lửa chỉ chạy vào ban đêm tới Vinh.

Và thành phố Vinh lúc đó chỉ là một đống gạch vụn khổng lồ với hàng trăm hố bom chưa lấp kịp. Vào tới Hà Tĩnh, nơi ông đến đầu tiên là mộ 10 liệt sỹ mới chôn ở chân đồi Trọ Voi.

Những nấm mộ hình xe tăng, mới xanh cỏ, xếp hàng ngay ngắn có một hàng rào tre ước lệ bao quanh. Nấm mộ nào cũng có một tấm mộ chí bằng gỗ ghi rõ họ tên quê quán và cùng một ngày hy sinh 24-7-1968.

Sau đó, người đầu tiên ông tìm gặp và làm việc là đồng chí Nguyễn Thế Linh, Đại đội trưởng C552 - đại đội của 10 cô gái anh hùng. Rồi ông tìm gặp lần lượt tất cả những người đã sống và chiến đấu bên cạnh 10 cô gái.

Ông hỏi chuyện và ghi chép rất tỉ mỉ, lặng lẽ gom góp tư liệu và đến năm 1973 thì bắt tay vào viết những trang đầu tiên của “Đài hoa tím”. Cuối năm 1977, ông viết xong bản thảo “Đài hoa tím”. Và năm 1978, NXB Phụ nữ đã in truyện ký này.

Tập sách này ngay kỳ xuất bản đầu tiên đã gây chấn động trong bạn đọc, tạo ra dư luận sôi nổi giống như cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

27 năm sau, năm 2005 cuốn sách tái bản lần thứ 1. Năm 2006 tái bản lần thứ 2. Và năm 2007 tái bản lần thứ 3. Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất 10 cô thanh niên xung phong anh hùng, NXB Phụ nữ đã tái bản cuốn sách lần thứ 4 với cái tên “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”.

Lễ viếng nhà văn Nghiêm Văn Tân diễn ra vào lúc 14h ngày 23/1 tại nhà tang lễ Bệnh viện 354, Đội Nhân, Ba Đình, Hà Nội. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.