Vĩnh biệt một người Hà Nội đích thực

ANTĐ - Hồi chưa về Nhà xuất bản Trẻ, tôi đã đọc sách của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khá nhiều, qua đó hình dung được một niên biểu rộng rãi về di tích Hà Nội. Nhưng phải đến bộ 5 tập Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ông biên soạn chung với nhà văn Tô Hoài thì mới thấy sự mênh mông của những kiến thức trong đó. Dĩ nhiên ông cũng là người thừa kế các công việc khảo cứu, biên soạn của các vị đi trước, bản thân ông đã khiêm tốn mà nói vậy.

Thú thật, hồi trước, tôi cũng hơi ngại tiếp xúc những cụ đầu râu tóc bạc có “con mắt hiếp đáp” (chữ Nguyễn Khải viết về Trần Dần), nhưng đến khi gặp ông, tiếp xúc với ông tôi mới vỡ ra rằng, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là người cởi mở. Nhà xuất bản Trẻ là nơi in 12/15 đầu sách của ông, đó đều là những sách bán rất chạy. Nhiều người bảo ông gặp thời. Tuy nhiên công việc tập hợp và tra cứu, đối chứng lại ngần ấy thứ là rất kỳ công, nhất là ở vào tuổi 80, cái tuổi mà nhiều người triền miên đau ốm. Khi sách ra, cũng có ý kiến rằng chưa toàn bích, có chỗ dẫm chân người khác, hoặc thiếu chính xác. Nhưng có đọc mấy cuốn sử ngày xưa sẽ thấy thông tin về Hà Nội cổ xộc xệch thế nào, khó nhất là ướm cái cổ ấy vào hiện trạng bây giờ, vì thế, đừng có nói là ngồi một chỗ mà bịa được.

Và chí ít thì Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã mở ra một cách quảng bá cho một Hà Nội xưa rộng rãi, người dân bình thường có chỗ để mà tra cứu. Văn của ông không bay bướm, nhiều quyển cũng khô khan, nhưng nhìn tổng thể thì sáng sủa và ai đọc cũng hình dung được Thăng Long ngày xưa, Kẻ Chợ sau đấy rồi Hà Nội gần đây thay đổi ra sao. Tựa như những cuốn cẩm nang du lịch ngắn gọn, không sa đà vào rừng rậm thông tin làm mệt đầu người nhập môn “Hà Nội học”. Yêu Hà Nội là một chuyện, có phương pháp làm việc và sự cần mẫn khi nghiên cứu về Hà Nội lại là chuyện khác.

Ngôi nhà mà Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc ở trên phố Ngô Quyền,  nhà được cơi ra từ sân sau một biệt thự cũ, bên trong sách rải từ bàn ăn đến gác xép. Ông thuộc dạng người minh mẫn, nói chuyện không có cái kiểu người già đai đi đai lại một ý sợ người ta quên mất hoặc chính mình quên, càng không có chuyện lần sau lặp lại chuyện lần trước. Thêm nữa, ông có ngoại hình khá “ăn ảnh” nhưng tuyệt nhiên không phải kiểu đỏm dáng như mấy vị “người quen” của giới truyền thông. Văn của ông tuy mô phạm nhưng ông là người nói chuyện rất hóm hỉnh.

Hóa ra ông có đọc sách của tôi. Lần nào gặp tôi ông cũng cười bảo “Hà Nội học đấy”. Ông cũng chừng như hiểu những cái sự bất toàn của việc nghiên cứu Hà Nội, bình tĩnh tiếp nhận những phê bình từ nhiều phía và nhẫn nại làm sách. Hồi cuốn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội dày 1066 trang ra mắt, có phản hồi về việc thiếu Mục từ (index), ông mau chóng cập nhật và chỉnh sửa ngay cho lần tái bản. Ông có nói sẽ viết bài giới thiệu sách của tôi, nhưng giờ thì không kịp nữa rồi. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã thanh thản ra đi trong một sáng đầu năm, Hà Nội mưa lạnh. Chúc ông vui vầy với các văn nhân yêu Hà Nội  như cụ Trần Huy Liệu, Trần Huy Bá, Nguyễn Văn Uẩn... Những văn nhân của một cõi núi Nùng sông Nhị, một thời thành cổ Thăng Long đầy huyền hoặc suốt dải Ngọc Hà lên đến Đại Yên, Vĩnh Phúc.

 Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc sinh năm 1926 trong một gia đình công chức Hà Nội quê gốc ở vùng chợ Lưu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông được trao tặng giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”  lần II tổ chức vào tháng 8-2009 với Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội về các thành tựu trong hơn 50 năm nghiên cứu và đã có các công trình, tác phẩm có giá trị về Hà Nội. Với những đóng góp cho Hà Nội, vì Hà Nội Nhà giáo, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010. Cho tới nay, Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc đã in riêng 15 tập sách, ngoài ra, ông cũng đứng chủ biên 6 bộ sách về Hà Nội. Và trái tim dành trọn cho Hà Nội ấy đã ngừng đập vào lúc 3h15 sáng mùng 6 Tết Nhâm Thìn (tức 28-1-2012) tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi. Lễ tang Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc sẽ được tổ chức từ 7h đến 9h ngày 2-2-2012 tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.