Vĩnh biệt anh Khải, người mãi bay trên bầu trời Tổ quốc

ANTĐ -"Vừa là sự tiếc thương một người con ưu tú vừa là tự hào trước sự hy sinh của Khải vì Tổ quốc", bà Phạm Thị Dâu, hàng xóm phi công Trần Quang Khải nói với phóng viên.

Bà Phạm Thị Dâu đứng lặng trong cái nắng 37 độ C, hóng về con đường quốc lộ 1 cũ. Bà đang chờ người hàng xóm hy sinh vì Tổ quốc được đồng đội đưa về nhà…

“Là chỗ hàng xóm láng giềng, tôi rất xúc động khi biết cậu ấy hy sinh. Lúc này, đối với tôi vừa là sự tiếc thương một người con ưu tú vừa là tự hào trước sự hy sinh của Khải vì Tổ quốc,” bà Dâu chia sẻ.

Cảm xúc của bà Dâu, người hàng xóm tuổi ngoài 60 của anh Khải, có lẽ cũng là cảm xúc của người dân phố Giỏ (xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang), quê nhà anh. Từ mấy ngày nay, khi biết tin chiếc Su-30 MK2 anh lái trong nhiệm vụ huấn luyện gặp sự cố, bà con ở phố Giỏ đã lo lắng tìm sang nhà hỏi thăm tình hình. Và khi Bộ Quốc phòng chính thức xác nhận anh hy sinh, phố nhỏ đã nhuốm một bầu không khí tiếc thương.

Bà con buôn bán ở khu chợ xép phố Giỏ trước cửa nhà anh Khải cũng tự nghỉ bán hàng để lấy không gian tổ chức lễ đón linh cữu anh Khải về. Rất nhiều người dù không phải quen biết hay người nhà của gia đình người liệt sĩ phi công cũng đã tới chờ đợi từ trưa để được đón anh về với quê hương. Hy sinh, đó là đau đớn và mất mát. Sự hy sinh của những người lính trong thời bình lại càng xót xa.

Không hề dễ dàng để có được một người phi công giỏi. Tài năng cùng hàng trăm giờ bay, sự khổ luyện và hơn cả là sự đánh đổi của chính người lính vì nhiệm vụ quốc gia. Các anh xứng đáng là những bảo vật của Tổ quốc. Thượng tá Trần Quang Khải là một người lính như thế.

Bà Mai Thị Nho, cô bên vợ của anh Khải xót xa: “Tôi xuống đây từ 12h trưa để chờ cháu Khải về. Thương cháu nên cố về nhìn nó lần cuối. Nhưng nghĩ cảnh gia đình cháu càng thấy xót! Hai vợ chồng lấy nhau cũng muộn, con mới 3 tuổi đã chia lìa… Bản thân do nhiệm vụ, khi còn sống, cháu Khải cũng đi suốt, vợ chồng chẳng gần nhau được nhiều…”

Người dân và đồng đội vẫy tay vĩnh biệt Đại tá Trần Quang Khải. Ảnh: Tiến Tuấn.

Chính chị Hà, người phụ nữ đã giữ những giọt nước mất mát từ ngày đầu nhận tin dữ về anh để vững vàng thay chồng làm điểm tựa cho cô con gái nhỏ từ nay. Công việc chưa ổn định, con thơ dại, chặng đường phía trước quá cam go.

Như hiểu được tâm sự cô giáo trẻ, chiều 20/6, UBND TP Hà Nội đã đến lễ tang công bố quyết định đặc cách tuyển dụng viên chức với chị Trần Thị Hà tại lễ viếng của anh Khải ở quê nhà. Đó là sự bù đắp kịp thời và xứng đáng với sự hy sinh của anh và chị.  

Có một chia sẻ như thế này trên diễn đàn của Học viện Phòng không – Không quân: “Là phi công, còn gì hạnh phúc và tự hào hơn khi được ra đi trong cánh dù”. Vâng, anh Khải đã ra đi trong cánh dù và trở về với đất mẹ, quê hương, trong vòng tay gia đình và đồng đội.

Sự hy sinh của Đại tá Trần Quang Khải để lại tiếc thương cho biết bao người dân nước Việt. Nhưng sự hy sinh đó cũng lan toả mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào và sự cảm nhận sâu sắc của mỗi người Việt Nam về lãnh thổ thiêng liêng.

Người ta nói rằng chuyến bay huấn luyện ngày 14/6 là chuyến bay cuối cùng của anh Khải. Nhưng nếu nói như cách mà Saint-Exupery nhà văn người Pháp cũng là một phi công, từng viết trong tác phẩm của ông về những người phi công hy sinh trên bầu trời thì từ nay, Đại tá Trần Quang Khải sẽ mãi bay trên những vì sao và bầu trời Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục