Vịnh Ba Tư cuộn Sóng

ANTĐ - Ngay trong những ngày đầu năm mới khu vực Vịnh Ba Tư đã nóng lên từng ngày với những tuyên bố đáp trả giữa Iran với Mỹ và đồng minh. Không chỉ Iran sẽ tiến hành tập trận, quân đội Mỹ và Israel cũng chuẩn bị "ra quân" trong một cuộc diễn tập hùng hậu nhất từ trước tới nay.

Mỹ và EU tăng áp lực với Iran

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 4/1 đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ cấm nhập khẩu dầu thô từ Iran để gây áp lực lên chương trình hạt nhân của quốc gia này. Dự kiến, động thái này sẽ được chính thức thông báo tại Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao EU vào ngày 30-1. Đây được coi là những biện pháp cứng rắn nhất của EU nhằm đáp lại lời kêu gọi “tăng áp lực về kinh tế Iran” từ Paris và London. Mỹ, vốn vừa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào nền tài chính Iran hôm 31-12 vừa qua đã ngay lập tức hoan nghênh động thái “thắt chặt thòng lọng lên Iran về mặt kinh tế” của EU. Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết Bộ trưởng Timothy Geithner sẽ công du Trung Quốc và Nhật Bản từ 10 đến 12-1 để thảo luận về những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran.

Trong khi đó, Iran cho biết sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, nơi trung chuyển 1/3 lượng dầu thế giới và cảnh báo 32 căn cứ Mỹ ở Trung Đông sẽ trở thành mục tiêu quân sự của nước này trong trường hợp Teheran bị tấn công. Đáp trả lại tuyên bố trên, giới chức Anh hôm 5-1 nhấn mạnh lực lượng hải quân Anh hiện có mặt ở eo biển Hormuz sẽ cùng với Mỹ ngăn chặn hành động này của Iran. Trước đó, hôm 4-1, trang tin Global Research cho biết quân đội Mỹ đang chuẩn bị một chiến dịch quân sự lớn chống Iran với việc triển khai hàng nghìn binh sĩ, tàu chiến và vũ khí tới Israel.

Iran không sợ bị trừng phạt

Iran cho biết sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này với 5 nước trong Hội đồng Bảo an và Đức (P5+1) đồng thời tuyên bố không sợ hãi trước đòn trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU). Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi cho biết Tehran không "lo ngại" về việc Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh cấm nhập khẩu dầu lửa của nước này, khẳng định Tehran sẽ tồn tại như đã từng tồn tại trước các biện pháp trừng phạt khác của phương Tây.

Gần đây nhất, để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây, quân đội Iran đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn tại Vịnh Hormuz và tuyên bố có thể phong tỏa tuyến vận tải biển huyết mạch này nếu bị cấm xuất khẩu dầu mỏ.

Hãng tin bán chính thức Fars của Iran cho biết, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran sẽ tiếp tục tiến hành cuộc tập trận hải quân tại eo biển Hormuz chiến lược và Vịnh Ba Tư vào tháng 2 tới. Fars dẫn lời Tư lệnh Hải quân Iran - Đô đốc Ali Fadavi cho hay, cuộc tập trận mang tên "Nhà tiên tri vĩ đại" này đã được tổ chức hàng năm trong suốt 7 năm qua. Tuy nhiên, ông Fadavi cho rằng, cuộc tập trận năm nay sẽ khác so với các cuộc tập trận trước, song không tiết lộ chi tiết. Trước đó, hôm 3-1, Hải quân Iran đã kết thúc cuộc tập trận kéo dài 10 ngày gần eo biển Hormuz.

Tổng thống Iran Mahmoud

Ahmadinejad ngày 8-1 đã bắt đầu chuyến thăm chính thức tới 4 quốc gia Mỹ Latinh gồm Venezuela, Ecuador, Cuba và Nicaragua trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang gia tăng trước vấn đề hạt nhân của Iran. Giới phân tích có những ý kiến khách nhau về chuyến thăm của ông Ahmadinejad tới 4 nước trên. Theo một số ý kiến, thúc đẩy quan hệ với Iran cũng có nghĩa là làm xa rời quan hệ giữa Mỹ Latinh với Mỹ và các nước khác. Một số ý kiến khác lại cho rằng, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Iran là một sự nỗ lực lớn của các Chính phủ Mỹ Latinh nhằm xây dựng quan hệ với các khu vực khác trên thế giới như Trung Đông, châu Á và châu Phi.

Ai thiệt hại hơn?

Các nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của EU chắc chắn sẽ làm tổn thương nền kinh tế Iran do hơn một nửa thu nhập của Teheran là từ xuất khẩu dầu thô nhưng chưa chắc đã đem lại kết quả như mong đợi. Trong 33 năm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã áp đặt 4 đợt cấm vận chống lại Iran nhưng vẫn không thể thay đổi đường lối ngoại giao “cứng rắn” của nước này. Về mặt kinh tế, Iran chỉ cần hạ thấp giá thành là thu hút được một lượng lớn khách hàng từ các nước châu Á, khi đó bên bị thiệt hại chắc chắn sẽ là EU. Hiện, EU vẫn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung dầu cho Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italia, những quốc gia đang phụ thuộc nhiều vào lượng dầu nhập từ Teheran.

Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi đe dọa sẽ đóng eo biển Hormuz trong trường hợp bị Mỹ và các nước lớn ở phương Tây cấm vận nhập khẩu dầu lửa của nước này. Đô đốc Habibollah Sayyari, chỉ huy các lực lượng Hải quân Iran tuyên bố việc đóng eo biển rất dễ thực hiện về mặt kỹ thuật. Diễn biến gây căng thẳng này đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng xảy ra hải chiến giữa Mỹ và Iran.

Trong khi đó, nguồn tin từ quân đội Israel cho hay, Tel Aviv đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc tập trận phòng thủ tên lửa quy mô lớn chưa từng thấy với đồng minh Mỹ, mang tên “Thử thách khắc nghiệt 12”. Quân đội Israel cho biết, kịch bản của cuộc tập trận liên quan đến việc mô phỏng các sự kiện cũng như một số lĩnh vực đào tạo. Các quan chức Mỹ và Israel cho hay, đây sẽ là tập trận chung lớn nhất của hai nước từ trước đến nay.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ Mỹ và Israel tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn này vào thời điểm nào, bởi bản thân tuyên bố cũng không nêu rõ về thời gian diễn ra. Các phương tiện truyền thông địa phương nhận định rằng, khả năng cuộc diễn tập được tổ chức vào mùa xuân, cùng với sự tham dự của hàng nghìn binh sỹ hai nước Mỹ và Israel. Tuy nhiên căng thẳng leo thang tại Vịnh Ba Tư là vô cùng nguy hiểm vì một chiến dịch quân sự nhỏ nhất chống lại Iran có thể nhanh chóng trở thành ngòi nổ cho một cuộc xung đột trong khu vực. Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon sẽ hỗ trợ và trợ giúp cho Iran, ngoài ra nhiều tổ chức hồi giáo cực đoan chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội để phát động một cuộc thánh chiến chống lại Mỹ và đồng minh. Phương Tây cũng sẽ vấp phải áp lực từ các nước như Iraq, Kuwait, Bahrain, UAE, Qatar… vốn không dễ dàng từ bỏ nguồn lợi thu được từ 15,5 triệu thùng dầu mỗi ngày bị do đóng cửa eo biển

Hormuz. Ngoài ra, một trong những khách hàng lớn nhất của mình là Trung Quốc hôm 4-1 đã bộc lộ rõ ràng quan điểm phản đối các biện pháp trừng phạt “đơn phương” của Mỹ đối với Iran được đưa ra hôm 31-12 vừa qua. Bên cạnh Nga, Teheran cũng vẫn còn một đồng minh khác là Ấn Độ, nước đang gắn liền lợi ích về kinh tế, địa chính trị và an ninh với Iran.

Những tuyên bố đáp trả giữa hai bên đã khiến thị trường dầu và vàng thế giới dậy sóng. Nếu cảnh báo “không một giọt dầu nào có thể đi qua eo biển Hormuz” của Iran thành sự thật, giá dầu thế giới có thể leo lên mức 200 USD/thùng, gây tác động xấu đến quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Hiện giá dầu thế giới vẫn ở mức cao sau khi leo lên đến gần đỉnh cao nhất trong 8 tháng qua. Vàng sau 2 tuần lình xình cũng đã vượt lên mốc 1.610 USD/ounce do nhu cầu đầu tư vào tài sản an toàn gia tăng.