Vinalines tiếp tục xin bán ụ nổi 83M để trả nợ

ANTĐ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines tiếp tục có văn bản xin Bộ GTVT cho phép bán ụ nổi 83M để giải quyết nợ nần. Đây chính là vật chứng liên quan đến vụ án của nguyên Chủ tịch HĐTV Vinalines  Dương Chí Dũng.

Vinalines tiếp tục xin bán ụ nổi 83M để trả nợ ảnh 1Ụ nổi 83M giờ thành “cục nợ” của Vinalines

Bị kiện vì không thanh toán tiền neo đậu

Theo Vinalines, ụ nổi 83M hiện neo đậu tại cảng Gò Dầu - tỉnh Đồng Nai đang trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đã bị rút đăng kiểm từ tháng 1-2011, đăng ký tạm thời cũng hết hạn từ 6-2011. Để ụ nổi đủ điều kiện khai thác, kinh phí bỏ ra ít nhất 50 tỷ đồng để sửa chữa. “Do nợ Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hải Đồng Nai gần 30 tỷ đồng tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố từ tháng 12-2010 đến 1-1-2013, ụ nổi 83M đã bị cắt điện từ đầu năm 2013. Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines - VNLSY (đơn vị quản lý trực tiếp ụ nổi) đã cố gắng đàm phán, thuyết phục cảng Gò Dầu cấp lại điện chiếu sáng cho ụ nổi để đảm bảo an toàn, nhưng không được chấp thuận”, ông Lê Triều Thanh, Phó Tổng Giám đốc Vinalines cho hay.

Hiện, ụ nổi 83M là tài sản của vụ tranh chấp quyết liệt giữa chủ cảng Gò Dầu và Vinalines. Sau khi đề nghị thanh toán 26,871 tỷ đồng tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M từ tháng 12-2010 đến 1-1-2013, nhưng không được hồi đáp, chủ cảng đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Long Thành (Đồng Nai). Cuối tháng 12-2013, Tòa án Nhân dân huyện Long Thành tiến hành phiên hòa giải lần hai giữa các bên liên quan. Tại phiên hòa giải này, cảng Gò Dầu đồng ý xin rút đơn kiện nhưng cho biết sẽ khởi kiện vào thời gian thích hợp.

Trước đó, chủ cảng đã chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng thuê neo đậu và hợp đồng kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M với VNLSY từ ngày 1-1-2013, đồng thời yêu cầu VNLSY di dời ụ nổi này đi nơi khác neo đậu chậm nhất là ngày 1-4-2013. Phía cảng Gò Dầu cho hay, nếu không thực hiện di dời thì VNLSY và Vinalines phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho mọi sự cố, thiệt hại phát sinh xảy ra đối với ụ nổi 83M cũng như thiệt hại do ụ nổi gây ra đối với tài sản của cảng.

Mỗi tháng tiêu tốn 1 tỷ đồng

Giữa tháng 7-2014, ụ nổi 83M bị trôi dạt do thủy triều xuống thấp dẫn đến kéo căng dây neo buộc, làm gãy trụ buộc dây B3. Chủ cảng đã gửi yêu cầu bồi thường và lập dự toán thi công lại trụ buộc dây B3 với giá trị khoảng 772 triệu đồng. Hiện các bên liên quan đang xem xét để thống nhất giá trị và phương án thi công xử lý. VNLSY đã lên các phương án bảo đảm an toàn tạm thời cho ụ nổi, kể cả phương án đánh chìm ụ nổi trong trường hợp cần thiết để giải thiểu thiệt hại do ụ nổi gây ra. VNLSY cũng đã liên hệ với nhiều đối tác để đàm phán thuê 2 tàu lai trực sự cố nhưng đều bị từ chối vì không có khả năng chi trả. 

Với những khó khăn trên, Vinalines tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT xin phép các cơ quan liên quan để doanh nghiệp được nhượng bán ụ nổi nhằm giải quyết khó khăn tài chính.

Trước đó, tháng 6-2014, Vinalines cũng từng kiến nghị được bán ụ nổi 83M, song chưa được chấp nhận, vì theo cơ quan điều tra, ụ nổi 83M là vật chứng của vụ án cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines. Do đó, ụ nổi phải được quản lý, bảo quản nguyên vẹn, không được thanh lý khi chưa có quyết định của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.

Tuy nhiên, tại văn bản gửi Bộ GTVT, ông Lê Triều Thanh - Phó Tổng Giám đốc Vinalines cho rằng, trong các cáo trạng và bản án phúc thẩm đã tuyên, 83M không có trong danh mục vật chứng vụ án. Do vậy, doanh nghiệp muốn bán ụ nổi nêu trên để giải quyết khó khăn về tài chính. Vinalines đề nghị Bộ GTVT tiếp tục có ý kiến với cấp có thẩm quyền để cho phép Vinalines được nhượng bán, thanh lý ụ nổi 83M nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm thiểu chi phí phát sinh do tiếp tục neo đậu và phòng tránh rủi ro tiềm ẩn do ụ nổi gây ra trong mùa mưa bão. 

Ụ nổi 83M được Vinalines mua với giá 9 triệu USD, sau khi thuê vận chuyển về Việt Nam, sửa chữa đã đội lên 20 triệu USD. Theo Vinalines, hiện ụ nổi này vẫn tiêu tốn khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng/tháng tiền neo đậu.