Viết truyện trên hải trình

ANTĐ - Tôi đã kể với bạn đọc câu chuyện ở đảo chìm Cô Lin.

Sau khi rời Cô Lin, đoàn công tác làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh ở quần đảo Trường Sa. Trong không khí trang nghiêm đầy cảm động, tôi thầm hứa với anh linh các liệt sĩ, nhất định tôi sẽ viết về các anh.

Sự hối thúc đến từ nhiều phương. Nhưng tôi chắc chắn phương tâm linh đã giúp tôi rất nhiều. Có lẽ các anh nghe thấu lời hẹn của tôi chăng?

Nhưng lịch đi và làm việc kín mít. Cho mãi đến khi đến được đảo Trường Sa (lớn), tôi tranh thủ khi văn công biểu diễn, ngồi một mình dưới ngọn nêon ngoài sân phác thảo câu chuyện. Nhưng nhiều chàng lính hải quân không hiểu tôi đang “lên cơn” viết, cứ sà xuống hỏi chuyện, chỉ lo tôi ốm hay sao mà ngồi thu lu một mình ngoài sân. Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa còn kịp kể cho tôi nghe về việc đảo có 6 giếng nước ngọt. Rằng ở đây lính sướng hơn ở đảo khác. Tôi cũng đã đi thăm cơ ngơi đảo cả ngày hôm đó, thăm mấy hộ dân, dự Lễ cắt băng khánh thành khu tượng Quan Thế Âm, dự buổi thắp hương dâng Bác ở Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh, thăm mộ liệt sĩ... Kịp nhặt (trộm chút linh thiêng Trường Sa) mấy viên đá nhỏ. Rồi tôi cũng nháp được phần chính ý tưởng của truyện ngắn Những bức thư gửi từ biển.

Tàu HQ 996 chia tay đảo Trường Sa trong bóng đêm ngập tràn. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cuộc chia tay hùng tráng và cảm động như thế. Bạn hãy hình dung một con tàu to lừng lững, với hàng trăm con người kéo hết ra boong, ở dưới cầu cảng là hàng trăm thủy thủ, hàng vài chục người dân, sư thầy nhà chùa, lính công binh và cả những đứa trẻ được cha mẹ chúng bồng trên tay. Người đứng trên boong, người dưới cầu cảng vẫy nhau trong đêm, và hát. Hát hết “Không xa đâu Trường Sa ơi” đến “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, lại “Người ơi người ở...”

Đêm đó tôi nói với cả phòng (8 nhà văn nhà báo nữ ở cùng phòng), xin với các chị cho tôi được bật đèn để viết khuya. Tôi ngồi trên giường tầng 2, lom khom với cái máy tính sắp hết pin. Muốn sạc, phải sang giường ngoài, mà dây không với tới. Thế là đành viết tay lên giấy tiếp mạch truyện. Con tàu đang lao đi trên sóng. Dưới khoang ở nóng hầm hập. Tôi vã mồ hôi và say chuếnh choáng, nhưng quyết tâm viết cho xong mạch truyện. Nhìn sang các giường, thấy mọi người ngủ mê mệt mà phải lấy sách báo che mắt, tôi đành tắt đèn cho các chị ngủ, đành bật máy tính bảng lấy chút ánh sáng, viết nốt đoạn kết.

Sáng hôm sau tôi vác máy tính lên buồng lái cắm điện ngồi gõ từ bản nháp tay ra. Khi ấy đoàn nghệ thuật Khánh Hòa và mấy nhà thơ đang ngồi hát và đọc thơ qua bộ đàm cho lính trên nhà giàn nghe ngay sau chỗ tôi ngồi viết truyện. Hôm đó vì sóng to quá, chỉ một số người khỏe mạnh được cử lên nhà giàn. Văn công phải phục vụ cho lính qua bộ đàm.

Truyện ngắn Những bức thư gửi từ biển được đề tặng cho các Anh hùng liệt sĩ hi sinh ở đảo Gạc Ma đã được viết trong bối cảnh như thế.

Đêm cuối cùng trên tàu, theo thông lệ, một chương trình văn nghệ được tổ chức để tổng kết chuyến đi. Nhà thơ Hữu Việt được Đoàn công tác tín nhiệm giao nhiệm vụ viết kịch bản cho toàn bộ chương trình giao lưu chia tay. Giây phút ấy, Hữu Việt nhớ tới câu nói của anh Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa: Từ bây giờ trở đi chúng ta có chung một ngày sinh, đó là ngày 28-4, ngày chúng ta bước lên con tàu này.

Còn Thiếu tướng Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân nói rằng: Khi các đồng chí bước lên con tàu này, các đồng chí là những thủy thủ, khi đặt chân lên hòn đảo đầu tiên các đồng chí trở thành những chiến sĩ hải quân. 

“Trong tâm trạng đó, đoàn Hội Nhà văn Việt Nam ngồi lại với nhau, tôi quyết định viết kịch bản dựa trên tất cả những sáng tác của các nhà văn nhà thơ thành vở kịch trình diễn thơ - văn xuôi”, nhà thơ Hữu Việt kể với báo chí như vậy. Dựa trên tuyện ngắn “Những bức thư gửi từ biển” của tôi. Dựa trên tưởng tượng linh hồn của các chiến sĩ vẫn đang trú ngụ trong tầng tầng lớp lớp san hô và mỗi khi những con tàu từ đất liền quê mẹ đi qua, những linh hồn ấy trồi lên mặt nước, chia sẻ, gửi gắm những lời yêu thương cho những người mẹ, người vợ, người con; trở thành những lời nhắn nhủ, thông điệp với người sống, Hữu Việt đặt ra một mạch kịch bản “Những người con bất tử của mẹ Tổ quốc”. Đồng hành với nó là những bài thơ của những thành viên trong đoàn, diễn viên chính là tác giả của những tác phẩm ấy. Nhạc nền là bài hát Bình yên hơi thở Biển Đông của nhà thơ Bàng Ái Thơ. Hữu Việt vào vai linh hồn liệt sĩ, diễn tả theo mạch truyện của tôi. Còn tôi đọc thơ của Hữu Việt:

Biển xanh, mây trắng, nắng mật ong
Bên kè sóng anh nằm nghe biển thở
Lời san hô hay lời của gió
Lại cồn cào một nỗi em thôi

Hôm đó phía Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan. Đúng như dự báo của các lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân trước chuyến đi về sự nguy hiểm...

Một kịch bản đặc biệt với những diễn viên đặc biệt trong một không khí đặc biệt. 

Khi biễu diễn, người diễn khóc, người xem khóc, những giọt nước mắt của tình đồng chí, tình quân dân, tình cốt nhục phân ly, âm dương cách trở, cũng là tình cảm sâu đậm của đất liền gửi tới những chiến sĩ, những người dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống ở Trường Sa. 

Dù không nói ra nhưng có lẽ ai cũng tự nhủ, một phần trái tim chúng tôi đã dành cho Trường Sa, hướng về Trường Sa, dù mới một lần đến.

Tôi đã trả lời các nhà báo: Khi ra đến Trường Sa, mọi toan tính đời thường diễn ra xung quanh cuộc sống của chúng ta trở nên nhỏ nhặt, vô nghĩa. Nếu như ai nuôi dưỡng và phát triển được suy nghĩ ấy thì con người ta sẽ trưởng thành lên rất nhiều, và thời gian trưởng thành sẽ ngắn hơn trên đất liền.

23-7-2014