Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động tập trận ở Hoàng Sa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn hành động tương tự làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 5-8-2021 khi trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc tập trận từ ngày 6 đến 10-8 ở khu vực phía Bắc Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoảng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn hành động tương tự làm phức tạp tình hình Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Cũng tại cuộc họp báo, bình luận về việc Ấn Độ thông báo điều 4 tàu chiến đến Biển Đông tham gia các cuộc tập trận đa phương và song phương, trong đó có Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là các hoạt động trên biển của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tuân thủ đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đóng góp có trách nhiệm cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự, thượng tôn pháp luật, hợp tác trên biển vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.