Việt Nam vững tin vào khả năng thích ứng và vượt qua dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu bởi nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới. Thế nhưng, với những kinh nghiệm rút ra sau 2 năm chống dịch, Việt Nam có thể vững tin vào khả năng thích ứng và vượt qua đại dịch thành công.
Lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ người dân trên đường từ vùng dịch về quê

Lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ người dân trên đường từ vùng dịch về quê

Đoàn kết dân tộc tạo “lực lượng vĩ đại” chiến thắng dịch bệnh

Trả lời các đại biểu quốc hội tại phiên chất vấn ngày 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khái quát và tổng kết nhiều bài học kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn trong phòng, chống dịch Covid-19 để định hướng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Theo Thủ tướng, bài học lớn đầu tiên là cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch, từ đó, triển khai các chính sách đều hướng đến người dân.

Thực tế cho thấy khi dịch bệnh bùng phát, trong khi nhiều nước còn đang tính toán thiệt hơn giữa lợi ích kinh tế và thiệt hại do các biện pháp chống dịch hà khắc thì Việt Nam đã khẳng định: “Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến với đại dịch.

Mỗi người dân đã trở thành “một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Họ thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua những việc làm giản đơn, thiết thực để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, như chấp hành các quy định phòng, chống dịch; khai báo y tế, thực hiện cách ly nếu thuộc diện quy định… Họ thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch khi tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội liên quan đến dịch bệnh để không bị những kẻ chống phá, thù địch lợi dụng.

Chính nhờ biết dựa vào dân mà chúng ta đã phát huy được tinh thần, huy động được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vào chống dịch, khơi dậy được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn dân. Điều này thể hiện ở sự đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tận tâm tận lực của các lực lượng tham gia chống dịch, sự ủng hộ tài lực, vật lực của các tầng lớp nhân dân.

Hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh; những anh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày đêm làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, tổ chức cách ly, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không quản khó khăn gian khổ thường xuyên duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các vùng dịch là minh chứng rõ nhất cho thấy khi cả dân tộc đoàn kết thì sức mạnh mà nó tạo ra lớn đến mức nào.

Hàng nghìn tỷ đồng đã được các đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ hỗ trợ kịp thời các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và các địa phương khó khăn. Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 ngay sau khi thành lập và phát động đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam chưa phải là nước phát triển, tiềm lực vừa phải, nhưng đã có được “lực lượng vĩ đại” để chiến thắng đại dịch.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và “ngoại giao vaccine”

Với một dịch bệnh có quy mô thế kỷ, lại chưa từng có tiền lệ, để đối phó và thích ứng một cách hiệu quả, sự linh hoạt trong chủ trương và hành động là điều rất cần thiết. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta cần vận dụng phương châm và triết lý hành động “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều “bất biến” là đặt mục tiêu cao nhất bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Còn “vạn biến” là tùy điều kiện diễn biến cụ thể của dịch bệnh mà có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, hiệu quả.

Trên thực tế, khi biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh xuất hiện, khi dịch đã “ngấm” tương đối sâu trong cộng đồng, việc “làm sạch” Covid-19, đưa F0 về “zero” là điều rất khó khăn. Chính phủ đã có chủ trương chuyển từ trạng thái “không có Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch”. Hay như trong đợt dịch thứ tư, khi năng lực y tế cơ sở ở một số địa phương có dịch chưa đáp ứng, Chính phủ đã ngay lập tức điều động lực lượng quân đội, công an vào cuộc, có thời điểm thiết lập hàng trăm trạm xá tại TP.HCM.

Một bài học kinh nghiệm nữa là lo an sinh xã hội-yếu tố quan trọng để người dân yên tâm, tham gia phòng, chống dịch bệnh. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã thực hiện các chính sách an sinh xã hội, triển khai các gói hỗ trợ: 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19. Khoảng 13 triệu người lao động được hưởng hỗ trợ theo nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Không chỉ các cấp chính quyền, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”, người dân cũng tích cực tham gia trợ giúp không để ai phải thiếu ăn, thiếu mặc. Chỉ tính trong đợt dịch lần thứ 4, cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời, hiệu quả; giúp người dân vùng dịch tại các tỉnh phía Nam hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hàng tỷ đồng tiền mặt, cùng rất nhiều trang thiết bị y tế. Các bộ, ngành, địa phương phía Bắc đã cử nhiều đoàn công tác vào phía Nam giúp nhân dân phòng, chống dịch bệnh.

Cuối cùng là bài học kinh nghiệm huy động sự giúp đỡ quốc tế trong phòng, chống dịch, nhất là “ngoại giao vaccine”. Để có thể chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công Covid-19 thì vũ khí không thể thiếu chính là vaccine. Những kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, khi chúng ta thành công nhờ tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế, phát huy cao độ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế lại được vận dụng trong đại dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu cấp thiết: làm sao có vaccine nhanh nhất, nhiều nhất, kịp thời nhất phục vụ người dân.

Từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đều quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp vào “ngoại giao vaccine” một cách quyết liệt, không câu nệ hình thức. Hàng trăm các cuộc điện đàm, tiếp xúc cả trong và ngoài nước đã được thực hiện để đem đến kết quả là đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều vaccine và đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Số lượng vaccine đó bảo đảm bao phủ và triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay. Nỗ lực đó cũng giúp Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.