Việt Nam vẫn nhập khẩu rất nhiều sữa

ANTĐ - Lượng sữa nhập khẩu của Việt Nam vượt cả Indonesia và Thái Lan.

Cần ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sữa

Đó là đánh giá của đại biểu quốc tế tại hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE) và Đại sứ quán Israel phối hợp tổ chức sáng 28-11.
Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế (mã HS Code 0402). Trong dòng sữa nước, trên 70% sử dụng là sữa hoàn nguyên (hay sữa pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nhập, và chất lượng không thể so sánh với sữa tươi sạch, nhưng nghịch lý là sữa hoàn nguyên, sữa pha lại đôi khi còn đắt hơn cả sữa tươi sạch. 
Thực tế sự phát triển của ngành sữa Việt Nam cũng đang đi ngược xu hướng thế giới, khi mà Việt Nam phát triển ngành sữa trước khi đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu, đòi hỏi Việt Nam phải từng bước đầu tư vào công nghệ cao trong nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất sữa nói riêng.
Kinh nghiệm từ Israel cho thấy, nhờ áp dụng công nghệ cao vào ngành sản xuất sữa mà một đất nước không có lợi thế về điều kiện tự nhiên như Israel tự cung cấp đủ sửa cho người dân. Trung bình mỗi năm, một con bò sữa cho thu hoạch 13 tấn sữa. Trong khi đó, sản lượng này ở Việt Nam cao nhất mới đạt khoảng 8 tấn/năm.
Tập đoàn TH với thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK là tập đoàn đầu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sữa tươi và đã thành công tại Việt Nam. Tập đoàn này đã đầu tư 1,2 tỷ USD để trang bị máy móc và công nghệ hiện đại nhất châu Á, sản xuất sữa trên dây chuyền khép kín, giúp ngăn ngừa tối đa sự thâm nhập của các các loại vi khuẩn hay tác động từ bên ngoài. Đồng thời, nâng cao năng suất, sản lượng sữa. 
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ NN & PTNT cho rằng, cần phải áp dụng công nghệ cao vào sản xuất sữa nhằm tạo ra cuộc cách mạng chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa. 
Đây là cách thức để đạt được mục tiêu quan trọng - phát triển bền vững về số lượng và nâng cao chất lượng đàn bò sữa trong chiến lược phát triển bò sữa Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16-1-2008.