Việt Nam tích cực tham gia cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ tầng ozone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone (16-9) là dịp để các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhìn lại những nỗ lực nhằm bảo vệ tầng ozone, bảo đảm sự sống cho loài người trong tương lai.

Lỗ hổng tầng ozone đang đe dọa sự tồn tại của loài người

Trái đất sẽ không có sự sống nếu không có ánh sáng Mặt trời. Nhưng nếu không có tầng ozone đóng vai trò che chắn khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại từ Mặt trời, sự sống trên Trái đất sẽ không thể tồn tại.

Ozone là một dạng oxi đặc biệt, cấu trúc phân tử được tạo thành từ 3 nguyên tử oxi (O3) chứ không phải là 2 nguyên tử oxi (O2) thông thường. Nó được sinh ra từ tác động của tia cực tím đến các phân tử oxi. Tầng ozone nằm trên tầng bình lưu, cách bề mặt Trái đất từ 15 đến 35 km. Trong ánh nắng Mặt trời chiếu xuống Trái đất có rất nhiều tia có hại, đặc biệt là tia cực tím (UV). Tia này có thể làm hỏng các cấu trúc tế bào, gây bỏng da, ung thư, đục thủy tinh thể…; làm hỏng cây trồng, hoa màu và hệ sinh thái. Rất may là 99% tia UV đã bị chặn lại bởi tầng ozone của Trái đất.

Ngày hội vẽ tranh với chủ đề “Thế giới chung tay khôi phục tầng ozone và khí hậu” của các em học sinh trường Olympia Hà Nội

Ngày hội vẽ tranh với chủ đề “Thế giới chung tay khôi phục tầng ozone và khí hậu” của các em học sinh trường Olympia Hà Nội

Tuy nhiên, vào năm 1970, các nhà khoa học phát hiện ra rằng loài người đang tạo ra những lỗ hổng trên tầng ozone. Tháng 10-1985, các nhà khoa học Anh phát hiện thấy tầng ozone trên không trung Nam Cực xuất hiện một “lỗ thủng” rất lớn, bằng diện tích nước Mỹ. Năm 1987, các nhà khoa học Đức lại tiếp tục phát hiện tầng ozone ở vùng trời Bắc Cực có hiện tượng mỏng dần, có thể dẫn tới bị “thủng”. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận lỗ hổng của tầng ozone là do các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS), được sử dụng trong các bình xịt và thiết bị làm lạnh như tủ lạnh và điều hòa không khí.

Việc tầng ozone xuất hiện các lỗ thủng đã làm gia tăng cường độ tia cực tím tới bề mặt Trái đất và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Hiện tượng suy giảm tầng ozone cũng là một trong những yếu tố gây ra biến đổi khí hậu. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu các chất làm suy giảm tầng ozone không bị cấm, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ là một thảm họa.

Chính vì thế, thế giới đã nỗ lực hợp tác để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ozone. Năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết một thỏa thuận lịch sử mang tên Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ozone trên phạm vi toàn cầu.

Năm 1987, trong khuôn khổ Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ra đời. Theo đó, các nhà khoa học và ngành công nghiệp nỗ lực hành động cùng nhau nhằm cắt giảm 99% lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone. Mục tiêu là khôi phục tầng ozone trở về nguyên trạng như trước năm 1980 vào giữa thế kỷ 21.

Tiếp đó, năm 2016, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal đã được thông qua, thể hiện cam kết của các quốc gia trong việc cắt giảm dần các chất hydrofluorocarbon (HFC), một động thái có thể tránh sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu (0,4 độ C) vào cuối thế kỷ này.

Để thúc đẩy nỗ lực chung bảo vệ tầng ozone, tháng 12-1994, Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 49/114 lấy ngày 16-9 là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone. Hàng năm, tất cả các nước thành viên tham gia Nghị định thư Montreal đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm trọng thể này. Ngày quốc tế về bảo vệ tầng ozone là dịp để các quốc gia trên thế giới tăng cường nhận thức và có những hành động thiết thực bảo vệ tầng ozone, giữ gìn môi trường sống của nhân loại vì sự phát triển bền vững.

Mục tiêu loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone vào năm 2040

Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ozone và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Tháng 1-1994, Việt Nam gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Trong 28 năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal và đạt nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ozone là việc nội luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, như Nghị định số 6/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ozone là những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích. Để quản lý các chất làm suy giảm tầng ozone, Luật quy định ưu tiên xây dựng, thực hiện chính sách, kế hoạch quản lý, giảm thiểu, loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone; cấm sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nghị định số 6/2022/NĐ-CP đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát.

Đáng chú ý, Nghị định đã quy định tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát; sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát, “bắt buộc thực hiện thu gom các chất được kiểm soát khi không còn sử dụng trong thiết bị, sản phẩm từ ngày 1-1-2024”.

Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC). Tính đến ngày 1-1-2010, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn được 3 chất, đó là CFC, Halon và CTC, Methyl Bromide hiện chỉ còn sử dụng trong kiểm dịch thực vật.

Đối với chất HCFC, Việt Nam đang thực hiện giai đoạn 2 (từ năm 2018 - 2023) kế hoạch loại trừ các chất HCFC có trong điều hòa không khí gia đình; các hệ thống cấp đông kho lạnh; sản xuất xốp cách nhiệt; điều hòa không khí trung tâm; dung môi trong sản xuất mỹ phẩm và dụng cụ y tế; chất dập cháy… Với lộ trình đã đạt được thì hiện nay, Việt Nam chỉ còn phân bổ 2.500 tấn HCFC - một số lượng ít ỏi. Dự tính, đến năm 2040, chúng ta sẽ loại trừ hoàn toàn HCFC.

Về hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone, từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xây dựng và đang thực hiện các tiểu dự án chuyển đổi công nghệ trong một số lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh (Công ty Phương Nam, Công ty SAREE), sản xuất xốp (Công ty Yantai Moon, Công ty SAREE, Trần Hữu Đức, Công ty Đa Linh, Tân Á Hưng Yên), sản xuất điều hòa không khí (Công ty Nagakawa và Hòa Phát); thiết lập trạm trộn (Công ty Vật liệu xanh).