Việt Nam thúc đẩy sáng kiến về vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu của người dân trong xung đột vũ trang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4-2021, tối 27-4, tại Hà Nội, Việt Nam tổ chức Phiên thảo luận mở Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” theo hình thức trực tuyến. Là một nước từng trải qua nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh, Việt Nam có lợi ích và nhu cầu trong thúc đẩy vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang, cũng như sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc đảm bảo hoạt động của các cơ sở hạ tầng cung cấp và phân phối nước sạch, xử lý rác thải, vệ sinh dịch tễ, bệnh viện có ý nghĩa quan trọng góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan rộng rãi, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp, viện trợ vaccine ở các khu vực xung đột. Phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất của tình trạng này. Điều này cũng để lại những hệ quả lâu dài đối với môi trường tự nhiên, cũng như đối với quá trình tái thiết hậu xung đột, xây dựng hòa bình. Do đó, việc bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang là bảo vệ sự sống còn của người dân.

Muốn làm được điều này, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Mark Lowcock cho rằng, các quốc gia cần nâng cao ý thức tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, sử dụng đối chính trị, các trừng phạt kinh tế để tăng cường hơn nữa các giải pháp bảo vệ người dân. Bên cạnh đó, không sử dụng các vật liệu nổ, vũ khí sát thương trong khu vực đô thị nhằm tránh thương vong lớn.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam rất thấu hiểu những hậu quả của xung đột với việc sau hàng thập kỷ chiến tranh, cơ sở hạ tầng thiết yếu của Việt Nam không còn nguyên vẹn, từ trường học, bệnh viện, đường sá, lưới điện, hệ thống các công trình và nước sạch đều bị phá hủy, trong khi đất canh tác và môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Nhấn mạnh bảo vệ người dân luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Hội đồng Bảo an, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng Hội đồng Bảo an cần nhấn mạnh tinh thần tuân thủ quy định của tất cả các bên liên quan trong xung đột, đó là việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Các bên phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, nghiêm cấm sự tấn công tàn phá các cơ sở hạ tầng thiết yếu với sự sống còn của người dân. Hội đồng Bảo an cũng cần xem xét các cơ sở hạ tầng theo mối tương quan chung để bảo đảm bảo vệ được toàn bộ hệ thống.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam và khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và vai trò của Liên hợp quốc trong bảo vệ dân thường và các cơ sở thiết yếu trong bối cảnh xung đột. Điều này được minh chứng bằng việc Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết về vấn đề Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống còn của người dân với 15/15 phiếu thuận.

Việc Việt Nam tham gia tích cực và thúc đẩy sáng kiến về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” thể hiện chính sách đối ngoại nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; thể hiện tinh thần, trách nhiệm trên cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khẳng định vị thế, phát huy vai trò tích cực của ta trong vấn đề “Bảo vệ thường dân," một trong những chủ đề lớn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy của quốc tế trong thời gian gần đây tại Hội đồng Bảo an và các diễn đàn quốc tế, và bảo vệ cơ sở thiết yếu là lĩnh vực chưa được thảo luận một cách tổng thể.

Đây cũng là cơ hội quý báu để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và nỗ lực trong tái thiết hậu xung đột, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần thu hút sự quan tâm, nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này. Đồng thời, đây là dịp để Việt Nam phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế nói chung và luật nhân đạo quốc tế nói riêng, đóng góp vào các nỗ lực chung về xây dựng hòa bình và thiết lập một nền hòa bình bền vững, là ưu tiên tổng thể của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an.