Việt Nam tái khẳng định cam kết hỗ trợ Myanmar trở lại ổn định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8-11 đã họp, nghe Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei Erywan Pehin Yusof, Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar, thông tin về các nỗ lực gần đây của ASEAN liên quan đến tình hình Myanmar. Tại cuộc họp, Việt Nam tái khẳng định cam kết của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc hỗ trợ Myanmar trở lại bình thường và ổn định theo ý nguyện của người dân.
Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà phát biểu tại cuộc họp

Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà phát biểu tại cuộc họp

Trong phát biểu, Bộ trưởng Ngoại giao Brunei chia sẻ các nỗ lực của ASEAN thời gian qua trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar, đăc biệt là việc thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm và thông tin về các hoạt động hỗ trợ nhân đạo mà ASEAN đã thực hiện.

Tất cả các nước thành viên HĐBA LHQ đánh giá cao vai trò của ASEAN trong việc tăng cường tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Myanmar. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện ngay và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm và mong muốn Đặc phái viên của ASEAN sớm được vào Myanmar để thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó có thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và gặp gỡ các bên liên quan ở Myanmar. Nhiều nước bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công, bạo lực trên khắp Myanmar, đặc biệt ở vùng Bắc và Tây Bắc Myanmar gần đây, kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt bạo lực, bảo đảm tiếp cận nhân đạo, an ninh, an toàn cho người dân.

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà hoan nghênh một số động thái tích cực tại Myanmar trong thời gian vừa qua như tuyên bố thả hàng nghìn người bị giam giữ. Tuy nhiên, đại diện Việt Nam bày tỏ lo ngại về việc chưa có tiến triển trong thực hiện Đồng thuận 5 điểm và tình trạng phá hủy các văn phòng, cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu cũng như các cuộc đụng độ, kích động bạo lực của các bên, trong đó có các nhóm vũ trang, gây khó khăn cho đối thoại và hòa giải. Các hành động trên làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và đẩy nhanh khả năng xảy ra một cuộc nội chiến ở nước này.

Trong bối cảnh đó, đại diện Việt Nam kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar chấm dứt mọi hành động bạo lực, bảo đảm tính mạng, an toàn, an ninh cho người dân. Tất cả các bên ở Myanmar cần bảo đảm tiếp cận nhân đạo, an toàn và không bị cản trở, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế, ưu tiên phòng chống và kiểm soát đại dịch Covid-19.

Việt Nam thúc giục các bên thực hiện kịp thời và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm, trong đó có việc tiến hành đối thoại có ý nghĩa nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình, bền vững và toàn diện vì lợi ích của người dân Myanmar và tạo điều kiện để Đặc phái viên của ASEAN có thể tiếp xúc với các bên liên quan.

Một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trên đường phố Thủ đô Myanmar hồi tháng 3-2021

Một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trên đường phố Thủ đô Myanmar hồi tháng 3-2021

Bên cạnh đó, các bên cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng ở bang Rakhine và tạo điều kiện cần thiết để những người bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú được hồi hương một cách an toàn, tự nguyện, bền vững và bảo đảm phẩm giá.

Đại diện Việt Nam nhấn mạnh ở thời điểm hiện nay, cộng đồng quốc tế cần đóng góp một cách xây dựng để giúp Myanmar ngăn chặn bạo lực và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và hòa giải, tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar.

Nhân dịp này, Việt Nam hoan nghênh sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài đối với các nỗ lực của ASEAN, trong đó có hỗ trợ nhân đạo, cũng như ủng hộ vai trò, tiếng nói của ASEAN. Việt Nam cảm ơn sự đóng góp của Tổng Thư ký LHQ và cựu Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar và hoan nghênh việc bổ nhiệm Đặc phái viên mới của Tổng Thư ký LHQ tại nước này.

Đại diện Việt Nam tái khẳng định cam kết của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc hỗ trợ Myanmar trở lại bình thường và ổn định theo ý nguyện của người dân.