Việt Nam sẽ mua "sát thủ" Buyan-M mang tên lửa Kalibr của Nga?

ANTD.VN - Hiện đang có những đồn đoán của giới chuyên gia quân sự Nga về việc Việt Nam sẽ ngừng đóng tàu Molnya và quay sang mua chiến hạm mang tên lửa Kalibr của Nga. 

Hiện nay, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, tàu cao tốc tên lửa lớp Tarantul của lực lượng Hải quân Việt Nam (thuộc dự án tàu tên lửa 1241 Molnya) do Liên Xô chế tạo đã cũ và trở nên lỗi thời, vì vậy trong tương lai gần, nó cần được thay thế bằng loại tàu chiến hiện đại.

Các chuyên gia Nga nhận định rằng, trong tương lai, Việt Nam sẽ không tiếp tục chế tạo thêm các tàu tên lửa Molnya (chỉ được trang bị tên lửa hành trình chống hạm cận âm Kh-35 Uran E) mà sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc mua các tàu mang tên lửa hành trình Kalibr-NK.

Chỉ mới được trang bị cho hải quân Nga không lâu (chiếc đầu tiên là Grad Sviyazhsk được biên chế tháng 3/2013), nhưng tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ lớp Buyan-M, thuộc đề án 21631 (lượng giãn nước 949 tấn) đã chứng tỏ một chân lý là: “Nhỏ không có nghĩa là yếu”.

Buyan-M là dự án đóng tàu chiến hải quân tiên tiến nhất của Nga, mang tầm cỡ thế giới. So với tàu Molnya của Liên Xô, tính năng và hệ thống thiết bị của Buyan-M được coi là tiên tiến hơn nhiều, vũ khí trang bị của nó vượt trội so với hầu hết tàu hộ vệ hạng nặng trên thế giới.

Hiện nay, mới chỉ có 5 chiếc Buyan-M được trang bị cho Hải quân Nga. 3 chiếc hiện đang biên chế cho Hạm đội Caspian là Grad Sviyazhsk (số hiệu 021), Uglich (022) và Veliki Ustyug (106), 2 chiếc của Hạm đội Biển Đen (Zelyonyi Dol và Serpukhov).

Cả 5 tàu này đều đã trải qua thực chiến với tên lửa hành trình Kalibr-NK. Chúng đã tham gia phóng tên lửa từ vùng biển Địa Trung Hải và biển Caspian vào các mục tiêu mặt đất của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.

Ngoài ra, 4 tàu khác của đề án này đang trong quá trình chế tạo và thử nghiệm ngoài biển. Tất cả số này sẽ được đưa vào thành phần trang bị của Hạm đội Biển Đen, nâng tổng số tàu của hạm đội này lên 6 chiếc.

Các tàu hộ vệ tên hạng nhẹ lớp Buyan-M (trong tiếng Nga có nghĩa là "tay hay gây gổ", "tên cầm đầu ẩu đả" hay "gã ngổ ngáo ưa sinh sự"), có thể đạt tốc độ đến 25 hải lý và hành trình trong phạm vi tầm xa 2.500 hải lý.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ mang tên lửa Kalibr-NK của Nga được các chuyên gia quân sự đánh giá rất cao

Tàu cỡ nhỏ, nhưng về mặt vũ khí thì thuộc dạng mạnh nhất thế giới. Trang bị cơ bản của tàu là hệ thống Kalibr-NK với tên lửa hành trình tấn công chính xác, có khả năng diệt mục tiêu trên biển từ khoảng cách 660 km (tên lửa 3M-54T) và 2.500 km với các mục tiêu trên đất liền (tên lửa 3M-14T).

Tuy là các tàu nhỏ nhưng mỗi chiếc có khả năng mang tới 8 tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14T và tên lửa hành trình chống hạm 3M-54T, trong các bệ phóng thẳng đứng UKSK - một loại bệ phóng đa năng, có thể phóng cả các tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Oniks.

Vũ khí trang bị trên tàu còn có pháo 100 mm A-190M (bắn 80 quả đạn mỗi phút) và pháo 30 mm 12 nòng AK-630M-2 Duet (phiên bản hiện đại hóa của AK-630M). Ngoài ra, tàu còn có hai súng máy 14,5 mm và ba súng máy 7,62 mm.

Để đối phó với những cuộc tấn công từ trên không, tàu được trang bị hai bệ phóng Gibka-P cho tên lửa phòng không tầm gần/thấp Igla-M. Hệ thống điện tử của tàu Buyan-M có thể theo dõi và phân tích đến 256 mục tiêu và tạo ra hàng loạt loại nhiễu, đảm bảo khâu ngụy trang tàu.

Trong tương lai, các chiến hạm lớp Buyan-M mới là yếu tố làm nên sức mạnh của hạm đội tàu mặt nước của Nga. Đồng thời, nó đang nhận được sự quan tâm rất lớn của hải quân nhiều nước trên thế giới.

Chuyên gia Nga nhận định, sau thành công vang dội của Nga ở Syria, Hải quân Việt Nam đang nghiêm túc xem xét khả năng thay thế tàu Molnya thời Liên Xô bằng tàu Buyan-M của Nga. Ngoài ra, có khoảng 10 quốc gia khác cũng đang cân nhắc việc mua loại tàu này.

Tuy nhiên, với quy định trong Hiệp ước xuất khẩu vũ khí tên lửa, phiên bản xuất khẩu của tên lửa Kalibr chỉ có tầm phóng dưới 300km.