Việt Nam nhất quán ủng hộ an toàn và an ninh hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là thành viên có trách nhiệm, hành động mạnh mẽ vì hòa bình, ổn định và hợp tác trên thế giới, lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề hạt nhân là ủng hộ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, ủng hộ mọi nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phát biểu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về vấn đề hạt nhân

Nguy cơ mất an toàn, an ninh hạt nhân

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) làm Trưởng đoàn và đại diện 35 quốc gia thành viên Hội đồng Thống đốc cơ quan này đã tham gia cuộc họp định kỳ cuối cùng trong năm 2022. Hội đồng Thống đốc IAEA có 4 kỳ họp mỗi năm vào các tháng 3, 6, 9 và 11. Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp cuối năm nay có đại diện Binh chủng Hóa học - Bộ Quốc phòng và các đơn vị chuyên môn của Bộ Ngoại giao nước ta.

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phát biểu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về vấn đề hạt nhân

Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Thống đốc - Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phát biểu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về vấn đề hạt nhân

Cuộc họp dưới sự chủ trì của Đại sứ Ivo Sramek, Trưởng phái đoàn CH Czech, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc, đã xem xét chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề lớn như: đánh giá hoạt động và xem xét báo cáo của Ủy ban Hỗ trợ và Hợp tác kỹ thuật (TACC) về kết quả hoạt động hợp tác kỹ thuật trong năm 2022, rà soát và tham vấn đối với đề xuất tăng ngân sách hoạt động năm 2023 của IAEA cũng như việc thực hiện Hiệp định về thanh sát giữa IAEA với một số nước như Syria, Triều Tiên và Iran.

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là lo ngại về rò rỉ hạt nhân tại Ukraine, quốc gia có những nhà máy điện hạt nhân lớn song đang diễn ra cuộc xung đột quân sự với Nga, cuộc họp lần này do đó đã dành thời gian thảo luận về vấn đề an ninh, an toàn hạt nhân và thanh tra, giám sát tại Ukraine.

Tại phiên họp, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết, sáng kiến “Nguyên tử cho phát thải dòng bằng 0” (Atom4NetZero) do IAEA vừa công bố tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra từ ngày 6 đến 20-11-2022 ở Ai Cập là minh chứng rõ ràng cho thấy vai trò và sứ mệnh quan trọng của IAEA trong việc tìm giải pháp cho các quốc gia vừa bảo đảm năng lượng, vừa ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 1/4 nguồn năng lượng carbon thấp của thế giới song các nước vẫn chưa thực sự hiểu rõ tiềm năng của nó, do đó Tổng Giám đốc IAEA khuyến khích các nước nghiên cứu, tham gia sáng kiến Atom4Netzero của IAEA.

Tuy nhiên, người đứng đầu IAEA cũng bày tỏ quan ngại đối với nguy cơ mất an ninh, an toàn hạt nhân trên thế giới, nhất là liên quan đến nhà máy Zaporizhzhia tại Ukraine, cũng như các vấn đề hạt nhân liên quan đến Iran, Syria và Triều Tiên. Nhiều năm nay, vấn đề hạt nhân liên quan tới Iran, Triều Tiên luôn là một mối quan tâm hàng đầu của không chỉ IAEA mà còn của cả cộng đồng quốc tế.

Sau rất nhiều nỗ lực trong nhiều năm, Iran và các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) cùng Đức vào năm 2015 đã cùng ký kết thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, Iran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận, có dấu hiệu như IAEA lo ngại là khởi động lại các hoạt động làm giàu hạt nhân.

Trong khi vấn đề hạt nhân Iran hay Triều Tiên thường xuyên là một “điểm nóng” ở Trung Đông và Đông Bắc Á, Ukraine lại vừa nổi lên với những quan ngại liên quan tới an toàn hạt nhân ngay trong lòng châu Âu. Bên cạnh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu đang nằm trong vùng chiến sự ác liệt giữa hai bên, IAEA đã phải tiến hành thanh tra, giám sát 3 cơ sở hạt nhân tại Ukraine sau khi Nga tỏ ý lo ngại có nguy cơ đang chế tạo bom bẩn. Năng lượng hạt nhân nếu sử dụng vì mục đích hòa bình sẽ mang lại những lợi ích to lớn, song nếu mất an toàn, an ninh và đặc biệt dùng để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ tạo ra mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng.

Sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình

Như các kỳ họp từ khi được bầu làm thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA vào tháng 9-2021 (nhiệm kỳ 2 năm 2021-2023), tại kỳ họp cuối năm 2022, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia phát biểu, thảo luận tại nhiều đề mục của kỳ họp, cùng các thành viên Hội đồng Thống đốc thảo luận về kế hoạch hoạt động của IAEA trong năm 2023, trong đó có việc tìm các giải pháp cho vấn đề ngân sách. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tái khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán ủng hộ cả 3 trụ cột chính của IAEA là bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, thanh sát và ứng dụng năng lượng nguyên tử hạt nhân vào mục đích hòa bình.

Đoàn Việt Nam khẳng định ủng hộ vai trò then chốt của IAEA, đồng thời chia sẻ quan tâm trước những diễn biến phức tạp về an ninh hiện nay. Trong đó, Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Đóng góp của đoàn Việt Nam vào kỳ họp cũng như Hội đồng Thống đốc IAEA và nhất là lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề hạt nhân được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Sau khi tham gia IAEA năm 1978, Việt Nam đã nhiều lần được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Thống đốc và luôn có những tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả vào công việc của Hội đồng Thống đốc.

Sự tham gia của Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy hợp tác giữa IAEA và Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình ở Việt Nam. IAEA hiện đóng vai trò trung tâm trong hợp tác quốc tế để thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường; đồng thời giúp kiểm soát, ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm để việc sử dụng nguồn năng lượng này không phục vụ cho mục đích quân sự, tăng cường an ninh và an toàn hạt nhân thông qua việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân, triển khai thực hiện các quy định về thanh sát hạt nhân.

Nhấn mạnh những tiềm năng và lợi ích của điện hạt nhân mang lại, song cho rằng việc phát triển công nghệ này cần bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân và tuân thủ các quy định về thanh sát hạt nhân, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ quốc gia của mình với IAEA và cam kết tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của IAEA trong việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Việt Nam luôn khẳng định, thực thi chính sách nhất quán về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực này. Việt Nam đã tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) từ năm 1982; ký kết Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) năm 1995; ký kết Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996 và phê chuẩn Hiệp ước này vào năm 2006. Việt Nam cũng đã ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân vào năm 2017, một hiệp ước gồm các điều khoản cấm các nước thành viên không được phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.