Việt Nam ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư Mỹ

ANTĐ - Trong vài năm trở lại đây, nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ đã đến Việt Nam để đầu tư, kinh doanh. Trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được các nước thông qua, Việt Nam ngày càng có thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Việt Nam ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư Mỹ ảnh 1Microsoft - hãng công nghệ lớn của Mỹ đã chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam

Điểm hội tụ của các tập đoàn lớn 

Đến thời điểm này, nhiều tập đoàn hàng đầu nước Mỹ đã có mặt tại Việt Nam. Có thể kể đến là sự hiện diện của Microsoft, Intel, Ford, P&G… và hàng loạt thương hiệu lớn trong lĩnh vực thực phẩm và giải khát như: KFC, Burger King, Pizza Hut, Starbucks, Coffee Bea & Tea Leaf, McDonalds... Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này đang không ngừng lớn mạnh tại Việt Nam.

Với số vốn đầu tư 123 triệu USD, năm 1997, Ford đã trở thành nhà sản xuất ô tô quốc tế đầu tiên đầu tư vào Việt Nam. Sự lựa chọn của hãng xe ô tô hàng đầu nước Mỹ đã được khẳng định là hết sức đúng đắn khi Ford Việt Nam liên tục tăng trưởng ấn tượng. Năm 2014, tập đoàn này quyết định rót thêm 6,1 triệu USD vào Việt Nam để tăng thêm số dây chuyền sản xuất xe và chuẩn bị cho kế hoạch lắp ráp dòng xe đa dụng cỡ nhỏ, bất chấp các khó khăn từ thị trường cũng như lộ trình giảm thuế theo cam kết của Việt Nam đã cận kề.

Hãng sản xuất ô tô danh tiếng này đã chứng minh được hiệu quả đầu tư khi luôn nằm trong số ít doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực ô tô tăng trưởng đều và cao nhất Việt Nam. Hiện nay, Ford đang chiếm thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam. 

Tương tự, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sự hấp dẫn của Việt Nam được khẳng định khi cuối năm 2014, “người khổng lồ” Microsoft quyết định chuyển nhà máy sản xuất điện  thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam, biến Việt Nam thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này. Kim ngạch xuất khẩu của Microsoft Việt Nam năm 2014 đã đạt con số 2 tỷ USD. Nhiều thông tin cho rằng, Microsoft đang ấp ủ kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cùng trong lĩnh vực này, Intel hãng sản xuất máy tính  hàng đầu thế giới đã quyết định lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư.

Đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, P&G đang chiếm thị phần rất lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng với các nhãn hiệu nổi tiếng như nước giặt Ariel, nước xả Downy, tã giấy Pampers, bột giặt Tide, dầu gội Head & Shoulders… Cuối tháng 3-2015, sau khi cân nhắc môi trường đầu tư giữa nhiều nước khác nhau, P&G đã quyết định đầu tư 100 triệu USD để xây dựng  nhà máy dao cạo Gillette tại tỉnh Bình Dương. Tập đoàn này đánh giá Việt Nam nổi bật trong các nước châu Á về tiềm năng tiêu dùng và cơ hội mới. 

Thành công trong thu hút FDI

Bà Sherry Boger - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) đánh giá, Việt Nam đang thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và nâng cao kim ngạch thương mại. Tổng kim ngạch thương mại Việt - Mỹ năm 2015 đạt khoảng 45 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 20%/năm. “Việt Nam đã rất thành công trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu nói chung và với Hoa Kỳ nói riêng. Kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng và dự kiến tăng mạnh khi TPP được ký kết” - đại diện Amcham nói.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện có hơn 700 doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư ở nước ta. Các doanh nghiệp này đầu tư ở hầu khắp các lĩnh vực và trải rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. 

Đánh giá về lợi thế của Việt Nam, bà Sherry Boger cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang công nghiệp hóa và đạt mức thu nhập trung bình, với môi trường đầu tư và thương mại thịnh vượng cho cả nhà đầu tư nội địa lẫn nước ngoài. Đại diện Amcham cho hay: “Việt Nam có hệ thống pháp lý chặt chẽ, minh bạch, hợp lý và nhất quán. Các nhà đầu tư, thương nhân và khách du lịch có thể tiếp cận Việt Nam với chi phí tối thiểu và điều kiện thuận tiện nhất. Đây là nơi những nhà kinh doanh hợp pháp trong nước và nước ngoài có thể nhanh chóng thành lập doanh nghiệp, tuyển dụng và phát triển nhân tài cho doanh nghiệp với mức lương công bằng, cạnh tranh; hệ thống hải quan và thuế dễ dàng, thuận lợi…”. 

Bên cạnh những ưu điểm, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng tham góp một số ý kiến nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuẩn bị các điều kiện giúp cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được thuận lợi.