Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là một trong số không nhiều quốc gia trên thế giới ứng phó hiệu quả, vượt qua những biến động và bất lợi toàn cầu như lạm phát cao, giá cả nguyên vật liệu tăng cao… để tiếp tục duy trì tốc độ hồi phục nhanh, Việt Nam đang ngày càng trở thành một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như là một điểm đến an toàn và hấp dẫn của dòng vốn FDI

Việt Nam ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như là một điểm đến an toàn và hấp dẫn của dòng vốn FDI

Vốn FDI đổ vào Việt Nam

Báo chí quốc tế những ngày qua tiếp tục đưa ra những nhận định, đánh giá tích cực về việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Theo đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp và quỹ đầu tư lớn của thế giới cùng chia sẻ quan điểm rằng, Việt Nam là nơi các nhà đầu tư thấy được sự tăng trưởng trong dài hạn, một môi trường đầu tư an toàn, thân thiện hay là nơi có những điều kiện tốt nhất để xây dựng nhà máy.

Trong bài viết nhan đề “Vì sao LEGO chọn Việt Nam xây nhà máy tỷ USD?” mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam Preben Elnef nêu rõ, LEGO nhìn thấy những điều kiện tốt nhất để xây dựng một nhà máy hiện đại, phù hợp định hướng sản xuất kinh doanh của tập đoàn với mục tiêu trung hòa carbon. Theo ông, việc chọn Việt Nam để mở nhà máy, không phải xuất phát từ tận dụng chi phí lao động giá rẻ, mà hãng nhìn thấy sự phát triển ở thị trường Việt Nam, đồng thời có thể mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đáp ứng nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở Đông Nam Á và châu Á.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang tiến lên nấc thang giá trị gia tăng và nhanh chóng trở thành trung tâm quan trọng cho sản xuất công nghệ. Ông Troels Jakobsen, Tham tán thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch ở Hà Nội cho biết, số công ty Đan Mạch ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng để hướng tới đa dạng chuỗi cung ứng và Việt Nam nằm rất cao trong danh sách lựa chọn của họ để mở rộng ở châu Á.

Trưởng đại diện, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam Marko Walde thông tin, nhiều doanh nghiệp Đức muốn mở rộng đầu tư tại châu Á. Theo ông Marko Walde, hầu hết các công ty đang hoạt động tại thị trường Trung Quốc tìm kiếm cơ hội ở thị trường châu Á khác và Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn để triển khai các dự án đầu tư dài hạn.

Ông Ngô Hữu Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Giza Việt Nam, tên tuổi hàng đầu trên cả nước trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp - cho biết, trong kế hoạch 5 năm tới, công ty tiếp tục mở rộng thêm 25 nhà máy trên toàn Việt Nam và doanh thu sẽ cán mốc 1 tỷ USD. Những công ty như Giza quyết định “chơi lớn” đầu tư để mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh bởi được thúc đẩy trước việc một loạt các hãng công nghệ lớn trên thế giới đã tìm đến Việt Nam để đầu tư.

Theo Chủ tịch Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế Phan Hữu Thắng, Tập đoàn Samsung đã cam kết đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2022. Ngoài ra, các hãng danh tiếng khác như Apple Watch, Lacer… cũng đều có cam kết đầu tư. Sự quan tâm đầu tư của các tập đoàn lớn toàn cầu cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang trở nên ngày càng hấp dẫn và điều này đã mang lại những kết quả cụ thể, tích cực.

Số liệu thống kê cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong 8 tháng qua tại Việt Nam đạt 12,8 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục, cao hơn cả so với trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19. Nhìn nhận về con số ấn tượng này, Ngân hàng đầu tư Maybank cho biết, tăng trưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam cao hơn hầu hết các nước Đông Nam Á.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, 45% các nhà đầu tư và kinh doanh châu Âu tại Việt Nam được khảo sát cho biết rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam, 76% kỳ vọng rằng sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III-2022.

Điểm đến đầu tư nước ngoài ưa thích

Môi trường kinh doanh thuận lợi và được cải thiện không ngừng, sự nhất quán trong chính sách phục hồi kinh tế và nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu ở châu Á. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã vượt qua được những biến động bất lợi toàn cầu như lạm phát, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu biến động mạnh và cạnh tranh thương mại tăng cao.

Mới đây, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới được hãng Moody's nâng mức tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Trong đánh giá đưa ra đầu tháng 9 này, Moody's đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 với triển vọng Ổn định.

Giới kinh tế cho rằng, sự kiện này một lần nữa cho thấy sự đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế trước những nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô. Theo đánh giá của Moody's, sức mạnh kinh tế của Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng quan điểm, ông Kelvin Teo, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sembcorp (Singapore), nhận định, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, chính sách kinh tế hợp lý để thúc đẩy đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người nước ngoài và điều này được đánh giá rất tích cực về triển vọng của Việt Nam.

Trang Trust Intelligence của nước Anh cũng vừa đăng bài phân tích kết quả kinh doanh của Quỹ tín thác đầu tư Việt Nam VEIL. Theo đó, Việt Nam có tiềm năng hấp dẫn đáng kể đối với nhiều nhà đầu tư, khi tăng trưởng GDP có thể đạt được mục tiêu của chính phủ là 6,5-7% trong năm 2022 và lạm phát, hiện ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển và mới nổi khác.

Nhật báo hàng đầu của Singapore, tờ The Straits Times cho biết, điểm đến đầu tư nước ngoài ưa thích của các công ty khởi nghiệp Singapore là Việt Nam - nơi có lực lượng lao động và thị trường lớn, chi phí lao động thấp. Trang Sohu.com của Trung Quốc đã nêu ra những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư đó là tỷ giá hối đoái ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh nước ngoài không ngừng được cải thiện.

“Kinh tế Việt Nam đi ngược lại xu hướng chững lại của châu Á” - đó là tiêu đề bài viết trang mạng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo bài viết, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh, cùng với đó là sản lượng sản xuất cao và phục hồi trong hoạt động bán lẻ và du lịch.

Cùng với các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng nhìn nhận rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khi có tới 85% doanh nghiệp tin rằng triển vọng kinh doanh trong quý III này sẽ bằng hoặc tốt hơn hiện nay. Kết quả này cao hơn so với mức 78% được khảo sát vào quý trước đó của Tổng cục Thống kê. Môi trường kinh doanh được cải thiện đang gia tăng niềm tin và hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ. Sự hồi phục này cùng với dịch bệnh được kiểm soát tốt là những yếu tố quan trọng để Việt Nam trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài.