Việt Nam - một điểm sáng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh vừa phòng chống dịch sát sao với những thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội tại các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng trưởng GDP 2,58% trong năm 2021 được coi là thành công lớn đối với Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm qua.

Kết quả ấn tượng trong bối cảnh đại dịch

Sau những năm bị bao vây cấm vận sau khi kết thúc chiến tranh, có thể nói hiếm có năm nào chúng ta gặp những khó khăn, thách thức nghiêm trọng như năm 2021 khi đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây ra những tốn thất to lớn cả về sức khỏe, tính mạng nhân dân và vật chất. Trong đó, đã có hơn 1,7 triệu người mắc bệnh và hơn 30.000 người tử vong vì Covid-19 trong năm 2021.

Lúc đại dịch diễn biến căng thẳng và phức tạp nhất, với quan điểm đặt sức khỏe và tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết, chúng ta chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian khá dài ở những “điểm nóng” dịch, trong đó có những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều khu công nghiệp lớn và quan trọng, đặc biệt là 2 trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP Hà Nội và TP.HCM.

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế Việt Nam cả từ phía cung lẫn phía cầu. Tính toán cho thấy năm 2020, Việt Nam thiệt hại khoảng 161,4 nghìn tỷ đồng và năm 2021 khoảng 345,9 nghìn tỷ đồng và cả 2 năm 2020 - 2021 nước ta thiệt hại tổng cộng 507,3 nghìn tỷ đồng tính theo giá cố định 2010. Mức thiệt hại này tương đương với khoảng 847 nghìn tỷ đồng theo giá hiện hành 2021 (khoảng 37 tỷ USD).

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chưa từng thấy đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều thành tích ấn tượng trong năm 2021, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển sau đại dịch. Năm 2021, GDP nước ta ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước bất chấp đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Dù gặp những khó khăn chưa từng có do tác động hết sức tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng

Dù gặp những khó khăn chưa từng có do tác động hết sức tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng

Dù kinh tế quý III-2021 suy giảm chưa từng có trong lịch sử do tác động tiêu cực của đợt dịch thứ tư nhưng đà phục hồi đã trở lại trong quý IV. Bức tranh kinh tế có nhiều điểm khởi sắc như hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV-2021 phục hồi mạnh mẽ, GDP quý IV tăng 5,22%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của năm 2021 đạt 2,58%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; riêng ngành nông nghiệp tăng 3,18%.

Một điểm sáng là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng cao, năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; kim ngạch nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%, chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 93,5% tổng kim ngạch. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 xuất siêu 4 tỷ USD.

Trong quý IV, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh về số doanh nghiệp, số vốn đăng ký và số lao động. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III-2021.

Đặc biệt, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Ước tính năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước; tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến hết năm 2021 đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Viết tiếp câu chuyện tăng trưởng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2021; triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với việc nhìn trực diện khó khăn không né tránh cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự sát sao tận tâm của các lãnh đạo cấp cao đã khiến cho bức tranh kinh tế dù có lúc khá sẫm màu song đã sáng lên nhanh dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Để có được những thành tích kinh tế ấn tượng trong năm 2021 đầy khó khăn có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có một nguyên nhân quan trọng, theo các chuyên gia, đó là Việt Nam đã nhanh chóng chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang “Thích ứng linh hoạt với Covid”, dần nới lỏng giãn cách và mở cửa nền kinh tế. Kết quả, nền kinh tế đã có bước chuyển biến tích cực trong những tháng nước rút cuối năm.

Với kết quả đáng khích lệ từ sự phục hồi nhanh trong bối cảnh kiểm soát tố dịch bệnh sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, đồng thời thu hút thêm tổng vốn đầu tư xã hội, trong đó có vốn FDI.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đưa ra tháng 12-2021, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, tình hình kinh tế Việt Nam đang cải thiện và Chính phủ cần hỗ trợ về chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy nhu cầu từ khu vực tư nhân cũng như giúp hồi phục kinh tế. Theo WB, xuất khẩu đạt kết quả vững chắc có thể là do các hoạt động chế biến, chế tạo phục hồi, nhất là ở các ngành hàng công nghệ cao.

Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Jacquest Morisset đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2022 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi và Việt Nam sẽ “viết tiếp câu chuyện tăng trưởng”.Trong khi đó, ngân hàng HSBC dự báo, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% vào năm 2022. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, trong năm 2022 mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,5%.

Ngân hàng HSBC cho rằng, động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất. Cũng theo HSBC, lĩnh vực tiêu dùng của Việt Nam sẽ chứng kiến sự thay đổi tích cực khi người Việt Nam ngày càng chi tiêu mạnh tay hơn cho giải trí và du lịch. Cơ sở hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục tiếp thêm động lực cho các hoạt động kinh tế. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler bày tỏ sự tin tưởng rằng, Việt Nam đang phục hồi từ đại dịch Covid-19, nhất là khi Việt Nam là nước có thế mạnh là năng lực sản xuất.