“Việt Nam là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong vòng 2-3 năm tới, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo.
Các dự án FDI vào Việt Nam ngày càng chất lượng

Các dự án FDI vào Việt Nam ngày càng chất lượng

Chia sẻ tại buổi đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, ông Nakajima Takeo- Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy, 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN.

JETRO cũng vừa tiến hành một cuộc khảo sát với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản. Kết quả cho thấy, Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời "là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư" bên cạnh Hoa Kỳ.

“Các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng tại Việt Nam, thay vì Nhật Bản, Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều hơn các nhà quản lý, giám đốc và giám đốc điều hành của các công ty Nhật Bản là người Việt Nam. Cùng với đó, kỳ vọng vào Việt Nam hiện nay rất cao. Đó là các công ty FDI đang mong muốn theo dõi diễn biến chính sách của Việt Nam”- ông Nakajima Takeo nói.

Theo ông Tim Evans- CEO HSBC tại Việt Nam, Việt Nam được xếp hạng thứ hai về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thế nên trong bối cảnh đầu tư nước ngoài suy giảm, vốn FDI vào Việt Nam vẫn gia tăng.

Theo Bộ KH-ĐT, trong 8 tháng năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 16,8 tỷ USD vàoViệt Nam. Vốn thực hiện là 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%. Đáng chú ý, chất lượng đầu tư được nângên, đạt bình quân 14,7 triệu USD/dự án, cao hơn năm 2021 (hơn 10 triệu USD/dự án). Lũy kế đến 20/8/2022, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD, bằng 61,5% tổngvốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Ông Kim Young Chul- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho rằng, việc Việt Nam vẫn duy trì được vật giá, tỉ giá ngoại tệ ổn định trong bối cảnh toàn thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng… là một lợi thế.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam sẽ thu hút nhiều vốn FDI hơn khi nền kinh tế ngày càng mở cửa và thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Trong trung hạn (2 - 3 năm tới), các tập đoàn công nghệ vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất chế tạo. Trong số đó, nhiều lĩnh vực “hot” như: công nghệ, sản xuất, dược phẩm, năng lượng...

Dù vậy, để thu hút đầu tư nước ngoài bền vững và chất lượng, Việt Nam vẫn cần cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác.