Việt Nam không sử dụng "người nhái" tại khu vực giàn khoan

ANTĐ - Đó là khẳng định của Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu.

Như thường lệ, sau phần thông tin từ cơ quan chức năng tại buổi họp báo quốc tế về tình hình biển Đông là phần hỏi đáp.

Ông Ngô Ngọc Thu tại buổi họp báo chiều 16-6

- PV: Vừa qua, Trung Quốc đưa ra bằng chứng hình ảnh, clip cho thấy tàu Việt Nam chủ động đâm va tàu Trung Quốc, ông đã xem chưa và xin đưa ra bình luận. Có hay không việc Việt Nam cử lực lượng đặc công người nhái đến giàn khoan, và bố trí vật thể trôi nổi cản trở tàu Trung Quốc?

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam: Tôi chưa xem clip do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố trong buổi họp báo 13/6 vừa qua, nhưng được thông báo lại nội dung. Phía Trung Quốc đã đưa ra một số liệu, đó là tàu thực thi pháp luật Việt Nam tiến hành đâm tàu của Trung Quốc tới 1.547 lần. Tôi xin khẳng định thông tin đó là sai sự thật.

Thực tế trên khu vực giàn khoan 981 chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va, sử dụng các vòi phun nước cũng như trang thiết bị chế áp tàu thực thi pháp luật Việt Nam, không có chuyện tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc. 

Tại họp báo, Trung Quốc nói Việt Nam sử dụng người nhái, vật nổi gây ảnh hưởng hoạt động tàu Trung Quốc. Xin bác bỏ thông tin này. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không hề sử dụng người nhái trên hiện trường giàn khoan Hải Dương 981.

Về một số vật trôi nổi Trung Quốc vớt được đưa về chụp ảnh làm bằng chứng, thực tế là bị tàu Trung Quốc đâm, áp đảo nên ngư dân phải bỏ chạy, Trung Quốc vớt lưới của ngư dân Việt Nam và nói Việt Nam thả lưới ngăn tàu Trung Quốc. Vật trôi nổi là các thùng nhớt, thùng sơn, dụng cụ huấn luyện trên các tàu chức năng của Việt Nam bị "vòi rồng" Trung Quốc phun văng xuống nước, Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam làm hư hỏng trang thiết bị, vỡ tàu gỗ của ngư dân Việt Nam, Trung Quốc vớt và nói là bằng chứng. Đó là sai sự thực. Chúng tôi xin bác bỏ. 

Gần đây Trung Quốc nói rằng Việt Nam nói Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa 1974 là sai, vì quân đội Trung Quốc đã xua đuổi lính Việt Nam Cộng hòa thực hiện tự vệ theo luật pháp quốc tế. Xin cho biết bình luận của Uỷ ban Biên giới quốc gia về vấn đề này?

Ông Trần Duy Hải Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia: Trước hết xin khẳng định các phát biểu của Trung Quốc là xuyên tạc, bóp méo sự thực lịch sử. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam đã bàn giao quản lý quần đảo cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực thi quản lý và đồn trú trên quần đảo. Trung Quốc đã lợi dụng chiến tranh, tấn công lên lực lượng Việt Nam Cộng hòa đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa. Đấy là sự thực lịch sử. Trên mạng Trung Quốc cũng đưa nhiều hình ảnh Trung Quốc tấn công lực lượng Việt Nam Cộng hòa. Việc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa không thể tạo ra chủ quyền cho Trung Quốc. 

Trung Quốc đâm vỡ tàu cá Việt Nam, mảnh gỗ văng xuống biển hoặc lưới của ngư
dân Việt Nam cắt bỏ lại trong cơn nguy cấp, Trung Quốc vớt lên
"đổi trắng thay đen" biến thành "bằng chứng"

- Việt Nam có cho rằng những văn bản lịch sử từ thế kỷ 17 sẽ hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa không?

Ông Trần Duy Hải: Như các bạn đã biết, chúng tôi đã giới thiệu một clip về văn bản pháp lý của nhà nước phong kiến Việt Nam. Đây là các văn bản chính thức của nhà nước, có giá trị về pháp lý,
về việc nhà nước phong khiến Việt Nam cử các hải đội ra khai thác và quản lý Hoàng Sa, 

Theo luật lãnh thổ, một quốc gia khi muốn xác lập chủ quyền đối với vùng lãnh thổ phải thông qua các hành vi thực thi chủ quyền dưới danh nghĩa nhà nước. Việc các đội Hoàng Sa của Việt Nam ra khai phá và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa được thực thi bằng nhà nước và bởi nhà nước, do vậy hoàn toàn phù hợp với luật các lãnh thổ, tất cả các văn bản đó có giá trị pháp lý hoàn toàn phù hợp.

- Trung Quốc nói các tàu cá Việt Nam ngăn cản hoạt động giàn khoan và tàu chấp pháp Trung Quốc, xin đại diện Cục Kiểm ngư bình luận ý kiến này?

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngưHoàng Sa luôn là ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân Việt Nam. Việc ngư dân khai thác ở đây là hoàn toàn bình thường phù hợp luật pháp Việt Nam và quốc tế. Không hiểu Trung Quốc cho rằng tàu cá Việt Nam ngăn cản quấy rối tàu chấp pháp Trung Quốc là như thế nào?

Trong khi các vị đã thấy các tư liệu của chúng tôi cho thấy Trung Quốc đã điều ra giàn khoan hơn 100 tàu các loại, toàn tàu lớn, tàu cá vỏ sắt, trang bị tối tân có công suất lớn. Trong khi đó tàu cá Việt Nam toàn tàu gỗ, thực hiện đúng chức năng tàu cá là khai thác thủy sản hợp pháp bình thường trên biển. Việc Trung Quốc nói tàu cá Việt Nam ngăn cản quấy rối tàu chấp pháp Trung Quốc là hoàn toàn vô lý và không có căn cứ. Một lần nữa tôi khẳng định tàu cá Việt Nam chưa bao giờ có hành động ngăn cản hay quấy rối tàu Trung Quốc mặc dù tàu Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam.

Lấy tàu to đâm tàu bé, lấy số lượng lớn áp đảo tuyệt đối, song Trung Quốc lại
"la làng" rằng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc hơn 1.500 lần

Ngày 3/6 vừa qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo đá mà Việt Nam đã chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa. Ông Trần Duy Hải cho biết bình luận của Việt Nam về điều này?

Ông Trần Duy Hải: Các bạn đã thấy rõ đề nghị của Trung Quốc rất vô lý, chúng tôi bác bỏ đề nghị phi lí đó. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền với Trường Sa và trên thực tế Việt Nam đã quản lý và khai thác hòa bình liên tục trên quần đảo Trường Sa. Chính Trung Quốc là bên đã dùng vũ lực để xâm chiếm 1 số bãi trên quần đảo Trường Sa và do vậy chính Trung Quốc phải rút khỏi các bãi họ đã chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 của Việt Nam.

Thời gian gần đây một số nhà ngoại giao của khu vực, trong đó đặc biệt có nhà ngoại giao hàng đầu của Indonesia, đề xuất các nước ASEAN cần sử dụng một chính sách “bên miệng hố chiến tranh” một cách tích cực hoặc có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc để đạt được quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông.

Cho đến nay Philippines vẫn kêu gọi ASEAN yêu cầu Trung Quốc dừng các dự án xây dựng ở đảo Phú Lâm của Việt Nam và đề nghị ASEAN cần có biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc. Vậy Việt Nam có mong đợi gì hoặc có hành động gì để yêu cầu hoặc đề nghị ASEAN có những tuyên bố chung của mình trong tình hình biển Đông?

Ông Trần Duy Hải: Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, nên mọi hoạt động của các bên khác mà không được sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp.

Tôi cho rằng Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nói chung trong việc duy trì hoạt động hòa bình ổn định trên biển Đông và kể cả yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động phá vỡ nguyên trạng ở biển Đông cũng như tạo ra các tranh chấp.

Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại bãi đá Tư Nghĩa thuộc
cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có nói Việt Nam ký 100 hợp đồng với đối tác nước ngoài, trong đó còn 61 hợp đồng có hiệu lực. Đối tác nước ngoài có bày tỏ lo ngại gì về việc Trung Quốc đặt giàn khoan không? Nếu họ bày tỏ lo ngại, phản ứng của Việt Nam thế nào?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao có thể cho biết, ông Dương Khiết Trì dự kiến đến Việt Nam tuần này dự cuộc họp Uỷ ban liên chính phủ Việt Nam -Trung Quốc. Chủ đề cuộc họp có đề cập vấn đề biển Đông? Việt Nam có hy vọng cuộc họp làm giảm căng thẳng ở biển Đông hay không?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 và tuyên bố trái phép có 57 lô dầu khí nằm trong vùng tranh chấp, họ dựa vào đường lưỡi bò phi lý, chúng tôi gặp gỡ, làm việc với tất cả các công ty dầu khí đang hoạt động trong vùng mà Trung Quốc gọi là tranh chấp, các công ty dầu lớn quốc tế… Tại các cuộc trao đổi, chúng tôi nhận được tín hiệu tốt, đó là tất cả đại diện của các công ty đều thể hiện sự chia sẻ, ủng hộ lập trường, tuyên bố của Petro Việt Nam cũng như của Chính phủ Việt Nam.

Họ cũng khẳng định hoạt động dầu khí của Petro Việt Nam và của họ là hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy họ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết đã ghi trong hợp đồng dầu khí ký giữa Petro Việt Nam với từng công ty. Chúng tôi hiện đang có kế hoạch cùng các công ty này triển khai hoạt động dầu khí hiệu quả, tích cực nhất, mặc dù phía Trung Quốc có tuyên bố này khác.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam: Theo chúng tôi biết, ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam. Đây là cuộc gặp của hai chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Trong các chủ đề thảo luận, tôi tin vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN chắc chắn sẽ được bàn đến.

Như chúng tôi nhiều lần khẳng định, từ trước đến nay và tại họp báo này, Việt Nam luôn hết sức kiên trì trao đổi, tìm mọi kênh thông tin kênh trao đổi đối thoại với Trung Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề căng thẳng ở biển Đông. Vì vậy, cuộc gặp hai chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương chắc chắn là một kênh, một sự kiện hai bên có thể thảo luận vấn đề tìm giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở biển Đông.

- Trung Quốc nói trong thời kỳ thực dân Pháp, Pháp đã từng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với “Tây Sa”, yêu sách chủ quyền của Việt Nam kế thừa từ chính quyền thực dân Pháp là không có căn cứ. Vậy sự thực về vấn đề này là như thế nào?

Ông Trần Duy Hải: Ý kiến đó của Trung Quốc là hoàn toàn bịa đặt. Sau khi Pháp vào Việt Nam, thay mặt chính quyền Việt Nam, Pháp thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc thực hiện quản lý hành chính của Pháp đối với Hoàng Sa ở mức độ rất cao. Pháp đã có cơ quan hành chính đặt tại Hoàng Sa, thậm chí cơ quan hành chính này cấp giấy chứng sinh cho công dân Việt Nam sinh ra tại quần đảo Hoàng Sa, đây là mức độ quản lý hành chính rất cao trong quản lý hành chính của Pháp. Trong thời kỳ đó, Pháp đã nhiều lần phản đối hành động của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, trong đó có nhiều công hàm gửi cho Trung Quốc phản đối hành động của Trung Quốc, thậm chí Pháp đã đề nghị đưa vấn đề ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng Trung Quốc đã từ chối.

Xin trích dẫn đơn cử một công hàm của Pháp, công hàm ngày 18/2/1937 của Pháp gửi Đại sứ quán Trung Hoa Dân quốc tại Pháp, Pháp yêu cầu Trung Quốc giải quyết đàm phán hữu nghị bất đồng giữa Pháp và Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không đồng ý tiến hành giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng thì Chính phủ Pháp không còn cách nào khác đề nghị Chính phủ Trung Quốc giải quyết vấn đề này bằng trọng tài.

Không có chuyện Pháp thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc mà luôn phản đối mọi hành động âm mưu của Trung Quốc muốn có hành động đối với quần đảo Hoàng Sa.

- Trung Quốc hiện đang tiến hành bồi đắp, mở rộng và xây dựng một số công trình kiên cố xung quanh một số đảo, đá ở thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động này của Trung Quốc?

Ông Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, thời gian qua, tại khu vực quần đảo Trường Sa, phía Trung Quốc đã tiến hành một số hoạt động mở rộng xây dựng công trình trái phép xung quanh khu vực đá Gạc Ma, cũng như một số điểm đảo khác ở khu vực Trường Sa mà đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép từ tháng 3/1988.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xây dựng mở rộng trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như các hành động đơn phương khác làm thay đổi hiện trạng của khu vực quần đảo Trường Sa cũng như khu vực khác trên biển Đông, rút ngay các tàu, thiết bị của Trung Quốc khỏi khu vực này, không để tái diễn hành động tương tự trong tương lai vì nó đe dọa hòa bình, ổn định khu vực cũng như tại biển Đông.