Việt Nam kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 22-3, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự phiên thảo luận về chủ đề khẩn cấp trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 và các cuộc họp liên quan tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Nusa Dua trên đảo Bali của Indonesia. Tại đây, đại diện Việt Nam đã tái khẳng định hòa bình và hợp tác luôn là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu của Việt Nam
Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 144 tại Bali, Indonesia.

Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 144 tại Bali, Indonesia.

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tái khẳng định rằng hòa bình và hợp tác luôn là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu của Việt Nam; cũng là tôn chỉ, mục đích cao cả của IPU ngay từ những ngày đầu thành lập cách đây 133 năm. Bà Mai Dung nhấn mạnh mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bình đẳng chủ quyền, tôn trọng độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Trên cơ sở đó, Việt Nam rất lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine. Việt Nam kêu gọi cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất; giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh. Việt Nam cũng ghi nhận những nỗ lực đàm phán giữa các bên và mong rằng các bên bảo vệ an toàn, an ninh của người dân, cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Thái Quỳnh Mai Dung cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có các nghị viện thành viên IPU tiếp tục thúc đẩy và tạo thuận lợi đối thoại giữa các bên, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân, cũng như tạo điều kiện cho công tác bảo hộ công dân, bao gồm những người Việt Nam tại đây.

Trước đó, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 144 và các cuộc họp liên quan, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm trưởng đoàn đã tham dự Diễn đàn nữ nghị sỹ và Diễn đàn nghị sỹ trẻ IPU. Tham luận tại hội nghị của Diễn đàn nữ nghị sỹ IPU, đại biểu Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học trực tuyến để đảm bảo mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh, vừa đảm bảo việc dạy và học được liên tục. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong 2 năm đại dịch, tỷ lệ học trực tuyến của Việt Nam đã đạt được khoảng 80% và cho rằng mặc dù cuộc chiến chống đại dịch đã có nhiều tiến triển tích cực, dạy và học trực tuyến vẫn tiếp tục là xu hướng của xã hội học tập trên môi trường số.

Tuy nhiên, trước thách thức ngày càng tăng liên quan đến tình trạng giáo viên và trẻ em, nhất là giáo viên và trẻ em gái bị lạm dụng, gia tăng tỷ lệ lo âu, trầm cảm trong học trực tuyến; áp lực đối với phụ nữ vừa bảo đảm chăm sóc gia đình, vừa tham gia lực lượng lao động trong xã hội, đại biểu Việt Nam cho rằng các nước cần có các chính sách bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của nữ giới; nâng cao nhận thức về những rủi ro đối với trẻ em gái tham gia các hoạt động trực tuyến, thu hẹp khoảng cách số về giới và nâng cao nhận thức, thông tin để giảm thiểu những định kiến tiêu cực về giới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã đánh giá cao ý kiến của đại biểu Việt Nam, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về tác động của Covid-19 đối với đời sống thể chất và tinh thần của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hiện nay.

Tại Diễn đàn nghị sỹ trẻ, đại biểu Việt Nam đã nêu bật vai trò, sự đóng góp của giới trẻ vào việc thúc đẩy các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời chia sẻ những khó khăn thách thức đối với thanh niên hành động vì khí hậu như hạn chế về tài chính, trình độ công nghệ, năng lực và kỹ năng chung. Đại biểu Việt Nam đề xuất các nước tăng cường sự tham gia của thanh niên ghi nhận sáng kiến của thanh niên trong thực hiện hiệu quả các chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với năng lực cũng như cam kết quốc tế trong lĩnh vực này; tăng cường hoạt động của nghị viện trong lập pháp, giám sát, phân bổ ngân sách bảo đảm nguồn lực để khuyến khích vai trò của thanh niên cũng như thúc đẩy hợp tác liên nghị viện nhằm chia sẻ kinh nghiệm tăng cường sự tham gia của thanh niên ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục