Việt Nam gia nhập TPP: Phải bảo vệ được quyền lợi của người lao động

ANTĐ - Tại Diễn đàn quan hệ lao động Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Chang Hee Lee khẳng định, Việt Nam sẽ  phải cải cách hệ thống quan hệ lao động, nếu muốn được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP.

Việt Nam gia nhập TPP: Phải bảo vệ được quyền lợi của người lao động  ảnh 1Tất cả các cuộc đình công ở Việt Nam đều là tự phát

Nâng cao vai trò của công đoàn

Trưởng nhóm Hỗ trợ kỹ thuật về việc làm bền vững khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Maurizio Bussi cho biết, kể từ khi ban hành Bộ luật Lao động (năm 1994), Việt Nam ghi nhận 5.500 cuộc đình công. Trong đó, không có trường hợp nào do công đoàn tổ chức. Điều này cho thấy, đa số công đoàn tại cấp cơ sở chưa thể hiện tốt vai trò đại diện cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng tạo ra nhiều thách thức đối với lao động và phong trào công đoàn. Hiện nay, mọi tổ chức công đoàn đều thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập TPP, người lao động có quyền lựa chọn tổ chức đại diện cho họ. Các tổ chức này có thể không thuộc Tổng Liên đoàn. Thời gian tới, nếu tổ chức công đoàn không đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì người lao động có thể sẽ lựa chọn cho mình tổ chức mới.

Ông Maurizio Bussi phân tích, nền tảng của quan hệ lao động hiện đại trong nền kinh tế thị trường là công đoàn phải mang tính đại diện. Do đó, cần hiện đại hóa công đoàn theo nguyên tắc tự do liên kết, nếu muốn có hệ thống quan hệ lao động hoạt động hiệu quả.

Không mâu thuẫn với quy định hiện hành

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, TPP không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn quốc tế mới nào nhưng đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì những quy định được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO về tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Chính vì thế, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật quốc gia cho tương thích với những cam kết quốc tế đã tham gia. Song song với việc hoàn thiện các quy định về pháp luật, Việt Nam phải dành nguồn lực cần thiết để thực thi có hiệu quả các cam kết đó.

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), dù Hiệp định TPP đã được đại diện các quốc gia thành viên ký kết nhưng để chuẩn hóa và có hiệu lực tại Việt Nam, Hiệp định còn cần sự phê chuẩn của Quốc hội (dự kiến trong vài tháng tới).

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang rà soát hệ thống các quy định về pháp luật lao động, công đoàn của nước ta so với Hiệp định TPP. Đối với những nội dung còn thiếu hoặc chưa được quy định, bộ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Đối với việc thành lập tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp, từ nay tới cuối năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH sẽ bổ sung những quy định liên quan tới việc thành lập, hoạt động, vai trò của tổ chức này trong việc hỗ trợ công tác đối thoại trong quan hệ lao động tại cấp cơ sở.

Việc hình thành các quy định mới sẽ được tính toán để không mâu thuẫn với những quy định hiện hành về tổ chức công đoàn; để tổ chức công đoàn tiếp tục phát triển và hoàn thiện hơn vị trí của mình.