Việt Nam đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hành trình 45 năm qua (1977-2022) in đậm những đóng góp nổi bật của Việt Nam như là một thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm với những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào các hoạt động của Liên hợp quốc - tổ chức hòa bình và phát triển lớn nhất hành tinh; qua đó khẳng định uy tín và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.

Vun đắp, xây dựng quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp

45 năm trước, ngày 20-9-1977 là dấu ấn quan trọng trong chính sách đối ngoại và tiến trình tiến trình hội nhập của nước ta. Đó là ngày diễn ra Lễ thượng cờ Việt Nam được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), đánh dấu mốc Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc, tổ chức lớn nhất hành tinh mà ngày nay đã bao gồm 193 quốc gia thành viên và 2 quốc gia quan sát viên khắp toàn cầu.

Liên hợp quốc là tổ chức liên chính phủ - được thành lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24-10-1945 - có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung. Tổ chức quốc tế đa phương này hiện có vai trò quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu, phục vụ các mục tiêu phát triển của từng nước và quốc tế, về cơ bản đáp ứng được những mong đợi và lợi ích của các quốc gia thành viên, nhất là các nước đang phát triển.

Việt Nam tham gia tích cực và trách nhiệm vào các hoạt động của Liên hợp quốc như hoạt động gìn giữ hòa bình

Việt Nam tham gia tích cực và trách nhiệm vào các hoạt động của Liên hợp quốc như hoạt động gìn giữ hòa bình

Trong suốt 45 năm qua, Việt Nam và Liên hợp quốc đã luôn nỗ lực vun đắp, xây dựng mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với những kết quả tích cực và nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam luôn trân trọng sự hỗ trợ và đồng hành của Liên hợp quốc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhất là sự hỗ trợ quý báu và thiết thực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm trong những năm tháng khó khăn sau chiến tranh cũng như thời kỳ bị bao vây, cấm vận.

Vào những năm cuối thập kỷ 1970 và đầu những năm thập kỷ 1980, cùng với nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa, viện trợ của Liên hợp quốc chiếm 60% tổng viện trợ cho Việt Nam. Đó là sự hỗ trợ, nguồn lực quý giá góp phần giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, cải thiện đời sống người dân cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội sau mấy thập kỷ bị chiến tranh tàn phá vô cùng nặng nề lại bị bao vây, cấm vận. Nguồn viện trợ của Liên hợp quốc đã đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về lương thực, giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, tạo cơ sở quan trọng về nâng cao năng lực thể chế, khoa học kỹ thuật.

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Liên hợp quốc tiếp tục tích cực hỗ trợ Việt Nam với nguồn vốn hàng trăm triệu USD mỗi năm. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng giúp nước ta thực hiện hành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc.

Cùng với việc không ngừng thúc đẩy, tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc và các tổ chức của Liên hợp quốc, Việt Nam trong suốt 45 năm qua cũng luôn nỗ lực phát triển với các thành viên của tổ chức này. Hiện nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 190 trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Việt Nam hiện có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (bao gồm 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện.

Việt Nam là đối tác tin cậy, vững chắc

Sau 45 năm nước ta trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi, thế và lực của Việt Nam cũng được củng cố và nâng cao rất nhiều. Về kinh tế, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, do đó hình thức hợp tác phát triển với Liên hợp quốc cũng dần thay đổi.

Tuy nhiên, trong suốt tiến trình hội nhập và phát triển, Việt Nam luôn nỗ lực để khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại.

Việt Nam ngày càng chủ động và tích cực tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc. Bạn bè, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao vai trò đi đầu của Việt Nam trong việc thúc đẩy phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền và quyền dân tộc tự quyết, chống chạy đua vũ trang, ủng hộ quá trình giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, cũng như sự đóng góp tích cực của nước ta vào quá trình xây dựng và thực thi các hiệp ước, công ước của Liên hợp quốc và xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại.

Đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, Việt Nam luôn coi trọng vai trò trung tâm của tổ chức này trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

Là thành viên có trách nhiệm và tích cực trong các hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, Việt Nam ngày càng tăng cường tham gia ở cấp độ cao hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nước ta đi đầu trong việc thực hiện Sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên hợp quốc, đặc biệt là đã đề xuất nhiều sáng kiến về các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và cũng là sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, nước ta đang nỗ lực triển khai thành công Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Sáng kiến của Liên hợp quốc về ứng phó với El Nino và La Nina và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Với những nỗ lực và đóng góp có hiệu quả đối với các hoạt động và quá trình phát triển của Liên hợp quốc, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, đánh giá cao, thể hiện rõ nhất qua việc chúng ta được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên hợp quốc như: Hội đồng Kinh tế-xã hội (hai nhiệm kỳ 1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (nhiệm kỳ 2017-2021)…

Đặc biệt, Việt Nam hai lần được tín nhiệm bầu với đa số phiếu gần tuyệt đối làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - cơ quan quan trọng và quyền lực nhất của tổ chức lớn nhất thế giới với 193 thành viên là những quốc gia độc lập - trong 2 nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021. Việc giành được tín nhiệm rất cao, đồng thời đảm đương thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong cả hai nhiệm kỳ minh chứng cho vị thế quốc tế mới của Việt Nam và niềm tin của cộng đồng quốc tế vào chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như đóng góp có hiệu quả cùng năng lực điều hành của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Nhìn nhận về vai trò, vị thế và đóng góp của nước ta, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Việt Nam là đối tác tin cậy, vững chắc của Liên hợp quốc; có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm đối với công việc chung của Liên hợp quốc.