Việt Nam đề cao vai trò UNCLOS trong thiết lập trật tự và thúc đẩy phát triển, hợp tác ở Biển Đông

ANTD.VN - Thực tế 1/4 thế kỷ qua cho thấy, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng trong thiết lập trật tự pháp lý công bằng, cũng như khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.

Việt Nam đề cao vai trò UNCLOS trong thiết lập trật tự và thúc đẩy phát triển, hợp tác ở Biển Đông ảnh 1Tòa trọng tài thường trực đã kết luận yêu sách quyền chủ quyền, quyền tài phán và quyền lịch sử trong phạm vi “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là vi phạm các quy định của UNCLOS

Tầm quan trọng chiến lược của “Hiến chương về đại dương” 

Cách đây 37 năm, UNCLOS được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại vịnh Montego (thuộc Jamaica), đánh dấu thành công của Hội nghị LHQ về Luật biển lần thứ ba. Sự ra đời của UNCLOS là kết quả của quá trình hợp tác, đấu tranh, thỏa hiệp và xây dựng trong nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị - xã hội, trình độ phát triển kinh tế, góc nhìn luật pháp khác nhau.

Với 320 điều khoản và 9 phụ lục, đây là văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ 20. Kể từ  khi chính thức có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS đóng vai trò như “Hiến chương về đại dương” với các quy định chặt chẽ về sử dụng các đại dương trên thế giới, vốn chiếm 70% diện tích bề mặt Trái đất. 

Trước hết, UNCLOS giúp các quốc gia xác định rõ phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của mình, bao gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Điều quan trọng là trên cơ sở UNCLOS, các quốc gia ven biển xác định được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình với chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Cũng nhờ UNCLOS mà người ta có thể xác định thềm lục địa của một quốc gia ven biển với chiều rộng không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở, hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không quá 100 hải lý. Các vùng biển ngoài phạm vi tài phán của các quốc gia ven biển gọi là biển quốc tế hay biển cả, đáy biển và tài nguyên khoáng sản ở vùng biển quốc tế là di sản chung của nhân loại.

Thứ hai, UNCLOS quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong vùng biển của mình. Theo đó, quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Quyền này là đặc quyền và đương nhiên tồn tại. UNCLOS cũng quy định rõ trong vùng đặc quyền kinh tế với phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên của vùng nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; thực hiện một số hoạt động kinh tế và quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường. Mọi hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển phải được phép của quốc gia đó; mọi hoạt động không được cấp phép đều là bất hợp pháp, vi phạm các quy định của UNCLOS.

Thứ ba, UNCLOS quy định cụ thể cơ chế giải quyết tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia trong việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Để bảo đảm thực thi Công ước đầy đủ và nhất quán, UNCLOS thành lập các cơ quan, cơ chế với vai trò và chức năng khác nhau, có tính chất bổ sung cho nhau, bao gồm: Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa, Tòa án Luật biển quốc tế. Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS, nếu việc trao đổi, đàm phán không đạt được giải pháp thỏa đáng, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế để có phán quyết ràng buộc, đó là Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật biển quốc tế (được thành lập theo Phụ lục VI của UNCLOS) hoặc Tòa Trọng tài (theo Phụ lục VII UNCLOS), Tòa Trọng tài đặc biệt (theo Phụ lục VIII UNCLOS).

Có thể nói UNCLOS đã đóng vai trò quan trọng trong việc xác định khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vai trò này có tầm quan trọng chiến lược cần được đề cao.

Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm của UNCLOS

Là thành viên UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ thực thi và tuân thủ quy định của Công ước này. Thế nhưng, với tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng những lý thuyết mới lạ, những ngôn ngữ phi chính thống, mơ hồ mà không quốc gia nào chấp nhận, hoàn toàn không dựa trên UNCLOS, để biện minh cho hành động phi pháp của mình ở Biển Đông.

Tự đưa ra tuyên bố “quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong yêu sách “đường chín đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đòi hòi chủ quyền phi pháp đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Điều đáng nói ở đây là tuyên bố này không có bất kỳ bằng chứng nào hỗ trợ về mặt pháp lý. 

Theo UNCLOS, “vùng biển lịch sử” phải đáp ứng 3 yếu tố gồm nhà nước cai quản khu vực, cai quản trong thời gian dài và cuối cùng là được các nước láng giềng chấp nhận yêu sách hàng hải. Cả 3 yếu tố đó Trung Quốc đều không đáp ứng được. Thêm vào đó, trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 liên quan đến vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã kết luận rõ ràng rằng “các vùng biển do Trung Quốc xác lập ở Biển Đông không được vượt quá giới hạn do UNCLOS quy định; việc Trung Quốc yêu sách quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” trong phạm vi “đường lưỡi bò” 9 đoạn là vi phạm các quy định của UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý. Tương tự, tuyên bố đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm phi pháp, cũng như với các đá ở Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988 cũng hoàn toàn không có cơ sở nếu nhìn từ quy định của UNCLOS.  

Theo Điều 121 UNCLOS, các cấu trúc địa lý được coi là “đảo” phải luôn ở trên mặt nước khi thuỷ triều lên, phải có khả năng duy trì điều kiện cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng. Chỉ khi đó, các đảo mới có đầy đủ các vùng lãnh hải, tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như lãnh thổ đất liền. Trên cơ sở quy định của UNCLOS, Tòa Trọng tài thường trực trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc đã kết luận, không một cấu trúc địa lý nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa; các đảo của quần đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. 

Khu vực bãi Tư Chính (mà Trung Quốc gọi là bãi Vạn An Bắc), nơi tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm, nằm cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý, nhưng cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 600 hải lý, đương nhiên không thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc. Các bãi ngầm Tư Chính cùng các bãi ngầm và đá ngầm ở khu vực này là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên nó hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam không từ chối các giải pháp tạm thời trên cơ sở UNCLOS, tuy nhiên Việt Nam không thể chấp nhận quan điểm “gác tranh chấp cùng khai thác” dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý và hoàn toàn trái với tinh thần của UNCLOS. Đó là toan tính nhằm tạo ra “vùng chồng lấn” trong vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.

Chủ trương của Việt Nam là tôn trọng và tuân thủ UNCLOS, vận dụng UNCLOS để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như tôn trọng lợi ích của các nước liên quan. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, không làm gì để tình hình phức tạp thêm, phù hợp với các quy định của Công ước. Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS, tích cực vận dụng Công ước nhằm thiết lập một trật tự pháp lý công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia.