Việt Nam đã ứng phó tốt

ANTĐ - Dịch sởi quay lại Mỹ và một số nước cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm chủng trong chiến lược dài hạn quốc gia trong việc chống dịch sởi cũng như nâng cao nhận thức của người dân. Tiến sỹ Kohei Toda (Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Tổ chức Y tế thế giới) đánh giá cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam:

Việt Nam đã ứng phó tốt  ảnh 1


- Thưa ông Toda, xin ông cho biết lý do tại sao trong một thời gian đã kiềm chế được mà nay dịch sởi  quay trở lại ở  nhiều quốc  gia với biến chứng rất phức tạp. Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch sởi hiện nay?

- Trước tiên, tôi muốn gửi lời chia buồn tới các ông bố bà mẹ đã mất con trong dịch sởi. Lý do khiến dịch sởi bùng phát là do người dân không đi tiêm phòng đầy đủ. Trẻ em hay cả người lớn nếu không tiêm phòng, tiêm đúng lịch đều có nguy cơ bị sởi tấn công. Virus sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, do đó chúng có thể phát hiện rất nhanh những nhóm đối tượng (dù là nhỏ) không có khả năng miễn dịch. Dịch sởi sẽ càng nguy hiểm hơn khi phần đông dân số không được bảo vệ bằng các biện pháp miễn dịch.

- Dịch sởi ở Việt Nam lây lan từ đâu?

- Câu hỏi này không dễ để trả lời, bởi tác nhân mang virus sởi  có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác nên khó có thể nói chính xác nguồn lây nhiễm bệnh từ đâu. Nhưng trong trường hợp của Việt Nam, có nhiều khả năng dịch bệnh đã bị lây lan từ Trung Quốc. Hiện dịch sởi ở Trung Quốc bùng phát rất mạnh với khoảng 26.000 ca nhiễm bệnh kể từ năm ngoái. Từ đầu năm  nay, Việt Nam cũng đã xuất hiện một số ca nhiễm sởi ở các tỉnh biên giới giáp ranh với Trung Quốc như Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch sởi ở Việt Nam?

- Cách thức đối phó với dịch sởi rất quan trọng. Thứ nhất, Việt Nam đã có những biện pháp đối phó kịp thời ngay từ khi có dấu hiệu bệnh sởi lây lan từ Trung Quốc. Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai chiến dịch khuyến khích các bậc phụ huynh đưa con các lứa tuổi đi tiêm phòng đầy đủ. Biện pháp chống lây nhiễm chéo đã được thực hiện. Các bác sỹ ở Bệnh viện Nhi đã làm tốt công tác phòng chống lây nhiễm, tiêm phòng, cách ly, khử trùng… Tôi cho rằng đây là một ví dụ điển hình về công tác phòng chống lây nhiễm hiệu quả ở trong bệnh viện.

- Ông có lời khuyên nào cho các ông bố, bà mẹ Việt Nam không?

- Tất cả các bà mẹ không nên bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho con cái. Đây là cách bảo vệ tốt, và hiệu quả nhất hiện nay. Đối với các nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi khi chưa thể tiêm vaccine thì theo tôi, bố mẹ các bé cần chú ý bảo vệ, cách ly các bé khỏi các nguy cơ lây nhiễm.

- Xin cảm ơn ông!