Việt Nam có tỷ lệ sét xuất hiện nhiều nhất: Những phòng chống rất chủ quan

ANTĐ - Theo nghiên cứu, Việt Nam là nước có tỷ lệ sét xuất hiện nhiều nhất do nằm ở tâm dông châu Á - một trong 3 tâm dông của thế giới có cường độ dông sét hoạt động mạnh. Nhất là trong những năm gần đây, trước sự biến đổi của khí hậu, dông sét ngày càng nhiều hơn. Ước tính mỗi năm Việt Nam bị 2 triệu cú sét đánh. Tuy nhiên công tác phòng chống sét còn rất chủ quan, đặc biệt tại các vùng nông thôn.
Việt Nam có tỷ lệ sét xuất hiện nhiều nhất: Những phòng chống rất chủ quan ảnh 1


Những vụ sét đánh kinh hoàng

Chiều 6-5-2012, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra sấm chớp, mưa lớn. Một số người dân đi chăn trâu, trú mưa ở những vùng núi đá, gốc cây, bị sét đánh. Hậu quả, 6 người chết, 5 người bị thương. Một số nhân chứng cho biết, lúc trời mưa, 8 người trú tại thôn Hợp Đường (xã Liên Sơn, Chi Lăng) sử dụng điện thoại di động. Sau tia chớp rất mạnh, 4 người đã tử vong, gồm: Vi Văn Luật (36 tuổi), Lương Văn Inh (24 tuổi), Vi Văn Hùng (15 tuổi), Lương Văn Hiệu (13 tuổi). Bốn người còn lại bị thương nặng phải đi bệnh viện cấp cứu. Cùng thời điểm, tại thôn Hợp Tân (xã Gia Cát, Cao Lộc), 3 người đi chăn trâu bị sét đánh trúng. Bà Chu Thị Liệm (67 tuổi), Nông Văn Bình (15 tuổi) tử vong, một người khác bị thương.

Tiếp đó, vào sáng 21-5, một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại 2 máng khai thác đá ở huyện Thủy Nguyên - TP Hải Phòng đã làm 6 người thiệt mạng và 4 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định do sét đánh trúng dây dẫn điện đã kích nổ mìn. Được biết, từ hơn 10 giờ sáng 21-5, tại khu vực Hải Phòng trời bỗng nổi mưa giông kèm sấm sét. Vào thời điểm khoảng 10 giờ 20 phút, tại 2 máng khai thác đá của Công ty Cổ phần Thương mại Quyết Tiến và Công ty Xi Măng Phúc Sơn, có một số công nhân đang treo mình trên vách núi đá để hoàn thiện nốt phần công việc khoan lỗ trên vách núi để nhồi mìn. Dự kiến, công việc trên sẽ được hoàn thiệt vào lúc 11 giờ sáng cùng ngày để kích nổ mìn. Tuy nhiên, do sét bất ngờ đánh trúng vào hệ thống dây dẫn điện dùng để kích nổ mìn đã khiến mìn phát nổ. 

Việt Nam có tỷ lệ sét xuất hiện nhiều nhất 

Theo ước tính của Viện Vật lý địa cầu, mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu 2 triệu cú sét đánh. Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á, một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Viện Vật lý Địa cầu thực hiện năm 2004, cả nước có 820 vụ sét đánh trong 10 năm trở lại đây gây thiệt hại nhiều tỷ đồng, làm gián đoạn dịch vụ viễn thông, điện lực... Tại một số khu vực như Cổ Dũng (Hải Dương), Sơn Lộc (Hà Tĩnh), đồng bằng sông Cửu Long, xảy ra nhiều vụ sét đánh làm thiệt hại mùa màng. 

Theo TS. Nguyễn Xuân Anh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu dông sét và đề xuất các giải pháp phòng chống ở Việt Nam” thì do nằm ở tâm dông châu Á - một trong 3 tâm dông của thế giới có cường độ dông sét hoạt động mạnh. Do hậu quả của dông sét nên hầu như năm nào ở nước ta cũng có người dân bị thiệt mạng do sét đánh. Không chỉ vậy, sét còn làm tổn hại nhiều công trình lớn. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, trong 10 năm qua đã có nhiều công trình, đường dây tải điện, kho tàng, các thiết bị về bưu chính viễn thông, nghiên cứu khoa học, điện tử… bị sét đánh hỏng, gây thiệt hại nặng. Trong đó, tiêu biểu là vụ sét đánh ngày 4-6-2001 làm nổ tung một máy cắt 220KV của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, làm lưới điện toàn miền Bắc bị rã mạch, nhiều nhà máy điện bị tách khỏi hệ thống, làm mất điện trên diện rộng. 

80% người dân thiếu hiểu biết dông sét

Hàng năm, những vụ sét đánh kinh hoàng đã gây tổn hại nhiều về tính mạng con người và của cải vật chất. Tuy nhiên hiểu biết về công tác phòng chống sét trong cộng đồng dân cư ở Việt Nam vẫn còn rất kém. Kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Viện Vật lý Địa cầu tại 2 huyện thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy những con số giật mình chứng tỏ người dân rất chủ quan và thiếu hiểu biết trong việc phòng chống dông sét. Có tới trên 85% nhà dân dựng cột ăngten cao nhưng không hề lắp đặt kim thu sét. Nhiều công trình xây dựng thiết kế, lắp đặt thiết bị chống sét không đúng, không mang lại hiệu quả phòng chống sét. Thậm chí, tại Thái Bình, khi một trạm thu phát sóng di động ở tỉnh này đi vào hoạt động, người dân thấy hiện tượng sét rất nhiều. Khi các chuyên gia về kiểm tra, phát hiện có dòng điện. Hóa ra “nhà mạng” có dây chống sét nhưng lại… không gắn liền với thiết bị tiếp đất. 

Hiện nay ở khu vực đô thị, khả năng sét đánh khó xảy ra do hầu hết các ngôi nhà đều được trang bị cột thu lôi khi xây dựng. Song ở nông thôn, kể cả xây nhà cao tầng, người dân cũng ít khi lắp đặt hệ thống chống sét nên ở khu vực này, sét đánh nhiều nhất. Việc thiếu hiểu biết về dông sét và cách phòng chống sét là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị sét đánh.

Thiết bị chống sét nhưng không chống được… sét

Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại thiết bị chống sét. Tuy nhiên không phải loại nào cũng có hiệu quả chống sét cao. Chẳng hạn thiết bị chống sét trực tiếp xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, được một công ty trong lĩnh vực chống sét nhập về phân phối. Thiết bị này được khá nhiều nhà thầu sử dụng cho các công trình vì giá thành rẻ. Tuy nhiên theo một chuyên gia trong lĩnh vực chống sét, các thiết bị trên không đáp ứng hai chỉ tiêu quan trọng trong chống sét là Điện áp sét và Cường độ chống sét theo quy định tại TCXDVN 46/2007 áp dụng trong Chống sét cho các công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành năm 2007. Vì vậy việc trang bị một hệ thống chống sét không đáp ứng các tiêu chuẩn chẳng khác nào mua lấy nguy hiểm bởi những hậu quả đáng tiếc từ sét có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hoặc hiện nay trên thị trường đang bán một số dạng kim thu sét phát xạ sớm với giá cao hơn thiết bị chống sét thông thường nhiều lần. Tuy nhiên theo nghiên cứu, các loại thiết bị này có vùng bảo vệ cũng chỉ như kim thu sét thông thường khi ở cùng độ cao. 

Vì vậy người dân có thể tự thiết kế, thi công hệ thống chống sét cho ngôi nhà của mình, đơn giản nhất là hệ thống cột thu lôi Franklin. Với hệ thống này, khi có sét, dòng điện sẽ nhanh chóng được dẫn xuống đất, hạn chế gây ra thiệt hại về người, tài sản. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh, nhà có cột thu lôi không có nghĩa là an toàn tuyệt đối, hiệu quả chống sét không thể đạt 100%. Mặc dù kim thu sét có khả năng hút sét khá tốt, song rất nhiều trường hợp sét vẫn đánh thẳng vào nhà, bỏ qua kim thu sét. Ngay cả khi sét đánh vào kim thu sét thì hiệu quả truyền xuống đất cũng chỉ đạt khoảng 80%, không thể phân tán toàn bộ lượng điện. Sóng điện từ sét có thể gây ra tác động từ xa lên các mạch điện, gọi là sét đánh cảm ứng. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho các thiết bị điện tử trong nhà vẫn cần sử dụng thêm thiết bị cắt lọc sét. 

Để phòng trừ sét khi đi ngoài trời, cần đề phòng các cơn dông, biện pháp tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông. Vô tuyến nối với dây ăng ten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có dông. Tuyệt đối không đứng gần cây cối để trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt. 

Không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu như cảm thấy tóc bị dựng lên thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Khi đó phải lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hỏa, ôtô... không được nhoài người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc. Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì có thể trở lại làm việc bình thường.

Tin cùng chuyên mục