Việt Nam có nhiều cơ hội nếu bản quyền vaccine Covid-19 được tháo bỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với việc vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào sử dụng trên toàn cầu, “cuộc chiến” với đại dịch thế kỷ đã chuyển sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, chiến thắng Covid-19 sẽ đến sớm hơn nhiều nếu như bản quyền vaccine ngừa Covid-19 được tháo bỏ, tạo điều kiện cho những nước đủ điều kiện như Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine cho người dân và chia sẻ với các nước khác.
Việt Nam đủ năng lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 khi được chuyển giao công nghệ

Việt Nam đủ năng lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 khi được chuyển giao công nghệ

Bất bình đẳng vaccine đang ngăn cản thế giới sớm thoát khỏi đại dịch

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho biết Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ bắt đầu đàm phán với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để tìm giải pháp với vấn đề này. Liên minh châu Âu (EU) cũng thay đổi quan điểm phản đối việc từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa Covid-19 và cho biết “sẵn sàng thảo luận bất kỳ đề xuất nào để giải quyết khủng hoảng một cách hiệu quả và thực tế”.

Từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 đang là vấn đề thời sự mà thế giới đặc biệt quan tâm bởi tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước. Những con số thống kê cho thấy dù chỉ chiếm 16% dân số thế giới nhưng các quốc gia có thu nhập cao lại sở hữu hơn một nửa số đơn đặt hàng vaccine đã được xác nhận, tương đương khoảng 4,6 tỷ liều, đủ để tiêm chủng cho dân số của họ nhiều lần. Trong khi đó, với số dân gấp đôi các nước giàu nhưng các nước nghèo nhất mới có được nửa số đơn đặt hàng vaccine được xác nhận.

Tình trạng trên đã dẫn tới bức tranh đối nghịch: Trong khi ở Mỹ và Anh, hơn một nửa số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, thì con số này chỉ là 1/10 ở Ấn Độ và khoảng 1/100 ở châu Phi. Nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã phải lên tiếng kêu gọi các nước giàu nhường bớt vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, chứ không chờ đến khi tiêm xong trong nước rồi mới cho.

Vì phải bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19 nên các hãng dược lớn trên thế giới, chủ yếu là của các nước giàu, đều không muốn từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Họ lo ngại việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ là “một hành động chưa từng có tiền lệ’ và nó sẽ khiến các hãng dược không còn động lực tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu trong tương lai.

Tuy nhiên, càng để dịch bệnh Covid-19 kéo dài, càng có khả năng xuất hiện những biến chủng mới khó lường hơn của virus SARS-CoV-2. Không ai dám chắc các vaccine ngừa Covid-19 mà thế giới hiện có sẽ có tác dụng với tất cả các biến thể. Khi đó, dù đã tiêm chủng đủ cho người dân của mình nhưng các nước giàu vẫn có thể phải đối mặt với dịch bệnh quay trở lại bởi các biến thể mới xuất hiện ở các nước mà dịch còn đang hoành hành. Thế giới luôn ràng buộc nhau và trong thời đại dịch Covid-19, không ai có thể an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn.

Chính vì thế, trong thời điểm “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 đang ở giai đoạn khẩn cấp như hiện nay, sản xuất vaccine không còn là chuyện riêng của các hãng dược hay một quốc gia nào. Đây là vấn đề nhân đạo, liên quan đến tính mạng của con người và mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ cho sức khỏe toàn cộng đồng. Đối với các nước nghèo, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine, bộ xét nghiệm, thuốc điều trị Covid-19 sẽ giúp họ có thể tiến hành sản xuất ngay để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của mình, dịch bệnh sẽ sớm được dập tắt ở từng nước và trên quy mô toàn cầu.

Việt Nam trong số rất ít các quốc gia đủ năng lực sản xuất vaccine

Với Việt Nam, nếu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 được tháo bỏ, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn bởi chúng ta là một trong số ít quốc gia trên thế giới có đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật, con người và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.

Đối với một số loại thuốc thông thường, việc bãi bỏ bản quyền có thể giúp các nước dễ dàng sản xuất. Nhưng bào chế vaccine lại đòi hỏi một quy trình, công nghệ, năng lực sản xuất đặc biệt mà không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng. Chẳng hạn như vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer (Mỹ) cần tới 280 nguyên liệu khác nhau và những thành phần này do 19 quốc gia trên thế giới cung cấp. Cũng không phải nước nào cũng đủ khả năng và nguồn nhân lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA còn khá mới, vốn hầu như không tồn tại trước đại dịch bùng phát.

Nhưng Việt Nam là một trong rất ít các quốc gia trên thế giới có hệ thống nghiên cứu đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhân lực và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine. Ngay từ năm 2015, Việt Nam đã được WHO chính thức công nhận có hệ thống quản lý chất lượng vaccine được trang bị đầy đủ. Điều đó đồng nghĩa với việc vaccine được sản xuất tại Việt Nam bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, an toàn và hiệu quả.

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, cùng với việc nhập vaccine, Việt Nam luôn chủ động với nguồn vaccine nội địa. Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 cuối tháng 2-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã chỉ đạo phải có vaccine với tinh thần “thần tốc hơn” với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt, đúng đối tượng, làm sao để có khối lượng vaccine cần thiết phục vụ nhân dân. Bộ Y tế đã đặt mục tiêu có vaccine ngừa Covid-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của đất nước trong năm 2021; ngoài ra tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ hoặc nhập khẩu vaccine bán thành phẩm về sản xuất tại Việt Nam, bảo đảm có đủ vaccine từ năm 2022 trở đi.

Trên thực tế, chưa đầy một năm, nỗ lực sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, chúng ta có 3 loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm là Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, Covivac của Viện vaccine và sinh phẩm Nha Trang và Vabiotech của Công ty TNHH một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế. Trong đó, vaccine Nanocovax của Nanogen mang tính khả thi nhất. Bộ Y tế đang chuẩn bị làm nghiệm thu giai đoạn 2 và triển khai giai đoạn 3 của vaccine này để có thể sớm cấp phép sử dụng cho người dân.

Còn trong trường hợp được chuyển giao công nghệ hoặc được chuyển quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất vaccine Covid-19 theo kế hoạch mà nhiều nước trên thế giới đang đề nghị, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất vaccine ngừa Covid-19, từ đó mở cơ hội lớn trong chủ động nguồn vaccine cho người dân và chia sẻ với các quốc gia khác.