Việt Nam - Brunei ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện

ANTD.VN - Sáng 27-3, lễ đón chính thức Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia. Ngay sau lễ đón, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah.

Việt Nam - Brunei ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah vẫy chào thiếu nhi Hà Nội

Nâng cấp quan hệ lên tầm mức mới

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện là kết quả của những tiến triển tích cực và vững chắc trong quan hệ hai nước thời gian qua, sẽ góp phần tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác song phương tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả và thực chất, cũng như hợp tác trong ASEAN và các khuôn khổ đa phương khác.

Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và hiểu biết lẫn nhau. Sau hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Brunei Darussalam. Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc sử dụng đường dây nóng nhằm trao đổi thông tin để giải quyết hoạt động khai thác thủy sản trái phép, không khai báo và không theo quy định.

Việt Nam và Brunei đều là các quốc gia biển, có vị thế địa chiến lược quan trọng, cần chú trọng hơn nữa hợp tác biển, đại dương, coi đây là một trụ cột trong quan hệ Đối tác toàn diện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah khẳng định quan hệ kinh tế giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để tăng cường hợp tác; nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước sớm đạt 500 triệu USD, thông qua các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh trao đổi thông tin về chính sách, thị trường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Brunei tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ tư trong ASEAN vào Việt Nam với gần 200 dự án tổng trị giá hơn 1 tỷ USD; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Brunei đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt vào các lĩnh vực then chốt như phát triển hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, du lịch và dịch vụ. 

Coi hợp tác biển là lĩnh vực quan trọng

Hai bên cho rằng hợp tác biển là lĩnh vực quan trọng cần quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới, hoan nghênh Thỏa thuận cấp Chính phủ về thiết lập Đường dây nóng hỗ trợ hoạt động nghề cá trên biển, nhất trí triển khai hiệu quả thỏa thuận và mở rộng hơn nữa hợp tác nuôi trồng và chế biến thủy - hải sản, chia sẻ thông tin thực thi pháp luật trên biển, đối phó với các thách thức an ninh trên biển nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác văn hóa - giáo dục, kết nối hàng không, thuận lợi hóa các thủ tục xuất nhập cảnh, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân để tăng cường hơn nữa hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai nước. Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah cam kết xem xét tích cực đề nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc sửa đổi thoả thuận miễn thị thực song phương theo hướng tăng thời hạn lưu trú không cần thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ cũng như người mang hộ chiếu phổ thông.

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ khi Việt Nam và Brunei lần lượt đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và 2021, cùng đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Hai bên nhắc lại lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông, khẳng định kiên trì nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lòng tin và tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Hai bên tái khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, theo một lộ trình được các bên nhất trí.

Tin cùng chuyên mục