Việt Nam - điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của khu vực trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù con số đưa ra có khác nhau nhưng điểm chung trong các dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 của các tổ chức tài chính thế giới là sự đánh giá tích cực, thậm chí là đáng kinh ngạc.

Kinh tế hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7,5%. Đây được xem là dự báo đáng kinh ngạc bởi từ trước tới nay, các tổ chức quốc tế lớn thường dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đề ra. Đây là lần hiếm hoi trong nhiều năm qua, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn so với mục tiêu 6-6,5% của Chính phủ. Theo WB, căn cốt để có nhận định này là do tốc độ tăng trưởng có được đà phục hồi nhanh của kinh tế Việt Nam, trong đó, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những ngành trụ cột.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ mức 6% lên 7%. Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cũng nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam từ mức 6,6% lên mức 6,9%. Một trong những lý do để HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam là tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II-2022 đã vượt mốc 7,7%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc

Với những động lực trong quý II-2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% vào năm 2023. Đây là điểm đáng chú ý bởi ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong năm 2022 xuống còn 4,6%. Như vậy, Việt Nam đang nổi lên là một điểm sáng trong khu vực.

Trong báo cáo Triển vọng toàn cầu quý III-2022, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) có trụ sở tại Singapore đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7%. Dự báo này đi kèm giả định không có thêm sự gián đoạn nào do Covid-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm là khoảng 7,6-7,8%.

Dựa trên tốc độ tăng trưởng mạnh trong quý II, VinaCapital cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7,5%. Thậm chí, với những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, VinaCapital tin rằng, có khả năng GDP của Việt Nam sẽ tăng hơn 7,5% trong năm nay. Hơn nữa, tăng trưởng GDP trong quý III có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital cũng bày tỏ tin tưởng GDP quý III đạt 10% sẽ là một chất xúc tác quan trọng để các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những đánh giá trên dường như cũng tương đồng với số liệu từ Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022 của Việt Nam. Theo đó, kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Đi vào cụ thể, ngành công nghiệp đã lấy đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7-2022 tăng mức cao, ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 12,8%. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi phát triển ổn định; khai thác gỗ đạt khá; nuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng cao do giá cá tra, tôm xuất khẩu tăng.

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2022 ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%.

Thực hiện 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 không

Có thể nói Việt Nam đã đạt kết quả hết sức tích cực: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, chuỗi cung ứng lao động phục hồi nhanh; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được thúc đẩy.

Thành công đó là kết quả từ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ thường xuyên, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, các nhiệm vụ tồn đọng từ các năm trước, thích ứng với bối cảnh mới, tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt và những tồn tại, yếu kém, điểm nghẽn từ lâu. Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng. Các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ theo đúng tinh thần chủ đề điều hành năm 2022, đó là “đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Để thiết thực hỗ trợ cộng đồng kinh doanh và môi trường kinh doanh, nhiều chính sách, biện pháp đã được xây dựng, thiết kế. Điển hình như: Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 21-5-2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022 và nhiều chính sách khác.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức này đến từ tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng với đó, kinh tế trong nước ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cần thời gian để phục hồi, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.

Để bảo đảm có thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ phải thực hiện tinh thần 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 không. Theo đó, duy trì 4 ổn định gồm: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Ba tăng cường gồm: tăng cường nắm tình hình; tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Hai đẩy mạnh gồm: đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn, việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Một tiết giảm là tiết giảm chi tiêu đối với những khoản không cần thiết. Một không là không điều hành giật cục.