Viết bằng tình yêu Hà Nội

(ANTĐ) - Tôi gặp họa sỹ Võ Trịnh Biện một ngày đậm sắc thu Hà Nội. Trong gian nhà Thái học, nơi trưng bày những tác phẩm thư pháp thuộc hàng “tuyệt tác” của Việt Nam, không khó để tìm được cuốn kỳ thư “Bình Ngô đại cáo” của anh bởi cả tầm vóc và sự độc đáo không thể bị phai nhòa.

Người viết “Bình Ngô đại cáo” bằng tay:

Viết bằng tình yêu Hà Nội

(ANTĐ) - Tôi gặp họa sỹ Võ Trịnh Biện một ngày đậm sắc thu Hà Nội. Trong gian nhà Thái học, nơi trưng bày những tác phẩm thư pháp thuộc hàng “tuyệt tác” của Việt Nam, không khó để tìm được cuốn kỳ thư “Bình Ngô đại cáo” của anh bởi cả tầm vóc và sự độc đáo không thể bị phai nhòa.

Họa sỹ Võ Trịnh Biện cặm cụi với từng nét chữ
Họa sỹ Võ Trịnh Biện cặm cụi với từng nét chữ

Độc chiêu “thủ ấn”

Sẵn giấy mực, Võ Trịnh Biện trải ngay ra nền nhà viết chữ tặng chúng tôi. Cách viết của anh thật đặc biệt, không vung bút với những đường nét “phượng múa rồng bay”, nhưng cũng không quá nắn nót đến từng góc chữ theo đúng pháp tắc như kiểu viết của những nhà thư pháp tôi từng biết. Ngón tay anh chấm mực rồi lướt trên trang giấy, cẩn trọng mà không gò ép, nét chữ thoáng mà không loạn, mang hơi hướng cổ xưa nhưng lại có những lối sáng tạo của riêng mình. Không án hương, không bút lông nghiên mực, không thư phòng thoang thoảng mùi trầm, nhưng dường như người họa sỹ vẫn đạt được đến cảnh giới tĩnh tại khi viết chữ.

Một chữ đã dày công như vậy, ai tưởng tượng nổi những ngày anh cặm cụi ngồi viết hơn 1.300 chữ. Phải mất hơn 1 năm miệt mài nơi phố núi, anh mới hoàn thành cuốn “Bình Ngô đại cáo” nguyên văn chữ Hán viết bằng ngón tay trỏ trên giấy croquis khổ 89x160cm. Mỗi trang là một câu hoàn chỉnh trong “Bình Ngô đại cáo”, cộng thêm một chữ khổ lớn rút trong chính câu đó ra, là chữ hay nhất, mang ý nghĩa sâu sắc nhất và cũng là chữ anh tâm đắc nhất.

Suốt hơn 1 năm đó, Võ Trịnh Biện “bò” ra trên những trang giấy, cặm cụi vẽ nền cũng bằng chính ngón tay trỏ để không trang nào giống trang nào, nhiều khi vẽ xong, không ưng ý lại bỏ, thậm chí xong cả cuốn rồi, thấy chưa bằng lòng, cũng bỏ. Cuốn sách nặng gần 200kg với 160 trang sau khi được trưng bày ở TP.Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi đã được Võ Trịnh Biện mang ra Hà Nội dự Triển lãm - Liên hoan thư pháp nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, dự kiến sau triển lãm, anh sẽ tặng Bảo tàng Hà Nội để những người yêu thích hội họa và thư pháp cùng thưởng thức.

Võ Trịnh Biện kể, anh cùng “người tri kỷ”, chị Lương Thị Khanh cân nhắc rất nhiều khi chọn tác phẩm này. Anh đã nghĩ đến “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt hay “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, song quyết định cuối cùng đã dừng lại ở “Bình Ngô đại cáo”, áng thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi. Đây là bản Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của Việt Nam, một tác phẩm đến nay vẫn mang tính lịch sử và thời đại sâu sắc, Võ Trịnh Biện muốn nhiều người dân Việt và cả bạn bè quốc tế biết đến nó nhiều hơn. Thêm vào đó, tác phẩm 79 câu không quá ngắn, cũng không quá dài, đủ không gian để anh thỏa sức thể hiện loại hình hội họa rất độc đáo của mình - “thủ ấn họa”.

Chính vì lẽ đó, tác phẩm của Võ Trịnh Biện trở nên rất khác lạ so với gần 250 bức thư pháp khác được trưng bày trong Triển lãm - Liên hoan thư pháp. Anh bảo, nếu cứ viết theo một kiểu chuẩn mực, người thưởng lãm sẽ chỉ còn thấy cái đẹp chung chung và hay của câu chữ, chứ không thể tìm ra nét riêng trong phong cách của người nghệ sỹ. Say mê cả nền văn hóa thư pháp của Trung Hoa và thư đạo của Nhật Bản, anh muốn có một “đạo” riêng, không theo lối mòn, không để các tác phẩm của mình bị gò theo khuôn khổ mà mất đi nét đẹp của “họa trong thư”.

Mối duyên với Hà thành

Ý tưởng viết một cuốn thư pháp tặng cho Hà Nội nghìn năm của Võ Trịnh Biện đã có từ lâu, nó xuất phát từ tình yêu sâu nặng với mảnh đất nghìn năm văn hiến. Đối với anh, nền văn hóa của Hà Nội vẫn luôn ẩn trong từng hạt bụi, từng viên sỏi trên mảnh đất này.

Chỉ cần thoáng nghĩ đến, những nét văn hóa ấy, những dấu tích nghìn năm ấy lại hiện ngay ra trước mắt, Võ Trịnh Biện nói với tôi. Còn cả tình yêu với một người con gái đất Hà thành, anh cười, bổ sung thêm. Cách đây chừng 5 năm, anh gặp chị Khanh trong một mối duyên chung với nghệ thuật. Chị làm ngành dược, nhưng bản chất con gái Hà thành vốn lãng mạn và nhạy cảm với cái đẹp, thêm vào đó là một tâm hồn cũng đầy “chất” nghệ sỹ. Hai tâm hồn đồng điệu đến với nhau, chị trở thành tri kỷ, và có lẽ, nhờ vậy, các tác phẩm của anh bắt đầu đậm chất Hà Nội hơn khi tình yêu với mảnh đất chôn nhau cắt rốn của chị được chia đều. Anh bảo, mỗi tác phẩm của anh, trong đó có cả cuốn “Bình Ngô đại cáo” này đều có bóng dáng chị “đứng đằng sau”.  

Võ Trịnh Biện dừng tay, rót rượu ra nắp chai mời chúng tôi. Rượu vodka Hà Nội cũng là một mối duyên với Thủ đô, anh cười nói. Rượu vodka Hà Nội không quá nặng làm bay mất mực, không quá nhẹ để làm nét chữ mất chiều sâu, lại vừa đủ độ để không khiến người họa sỹ quá say sưa mà quên đi các tác phẩm còn dang dở.

Ra Hà Nội được mấy hôm, mải bận lo cho triển lãm, mãi đến tối 1-10 hai anh chị mới có chút thời gian rảnh rỗi đưa nhau lên đường Cổ Ngư xưa, ngồi một góc đường nơi gió Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch thổi giao nhau. Chị bảo, chỉ có ở nơi lãng đãng sương khói ấy, chị mới cảm nhận thấy hết về Hà Nội, và đó là điều chị muốn cho anh cùng cảm nhận. Biết đâu, sau chuyến đi này, Võ Trịnh Biện sẽ lại cho ra đời những bức tranh mang hồn cốt Thăng Long, vẽ bằng ngón tay “độc nhất vô nhị” của anh.

Bảo Trâm