Viện phí sắp tăng, ai lợi ai thiệt?

ANTĐ - Sau Tết Nguyên đán Bính Thân thì cũng cận kề 1-3, ngày mà giá viện phí bắt đầu được điều chỉnh tăng cao so với mức hiện hành.

Viện phí sắp tăng, ai lợi ai thiệt? ảnh 1

Theo đó, lần điều chỉnh này được tính các chi phí bao gồm giá dịch vụ khám, chữa bệnh, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá dịch vụ kỹ thuật. Trong đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện bao gồm 4 yếu tố: chi phí trực tiếp (thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường); chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; chi phí tiền lương theo ngạnh bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập… Theo kế hoạch, việc điều chỉnh giá viện phí tới đây sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế do BHYT thanh toán được tăng giá, với mức tăng từ 2 đến 7 lần. 

Theo cách nghĩ thông thường thì tăng viện phí đồng nghĩa với việc tăng nỗi lo trong dân, đặc biệt là tạo gánh nặng cho người bệnh nặng, mãn tính. Nhưng trong việc điều chỉnh giá lần này người dân cũng cần phải hiểu cho đúng là không phải tăng chi phí thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh nhân sang hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, diện chính sách, bảo trợ xã hội mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tức là với người bệnh có mức hưởng quyền lợi 100% BHYT thì Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100%.

Vậy thì viện phí tăng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, diện bảo trợ xã hội không những không bị ảnh hưởng mà còn có lợi. Vậy thì ai bị ảnh hưởng? Ở mức độ ảnh hưởng không nhiều là người bệnh có mức hưởng quyền lợi 80% trở lên; và tất nhiên bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

Thực tế việc điều chỉnh giá viện phí với việc tính đủ chi phí là một phương cách khuyến khích người dân tham gia BHYT. Tính nhân văn, lợi ích của việc mua BHYT là người không bệnh giúp cho người có bệnh, người ít bệnh “hỗ trợ” cho người bệnh nặng, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán. Ai hưởng ai thiệt thì cũng đã rõ, nhưng khoan bàn đến chuyện đó thì với chất lượng khám, chữa bệnh giữa các tuyến bệnh viện không đồng đều như hiện nay, người dân lại vẫn mãi băn khoăn với câu hỏi: Tăng viện phí dân được gì? Liệu việc giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương của cán bộ y tế có làm thay đổi nhận thức của họ rằng phải phục vụ tốt mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho mình?... 

Vì vậy viện phí tăng, người dân cũng hy vọng cơ sở y tế, khám chữa bệnh phải “chuyển mình” để có kế hoạch để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, y đức, thái độ phục vụ, thủ tục hành chính… để tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Theo quy luật của đời người sinh-lão-bệnh-tử thì bị bệnh là khổ quá rồi, vậy tăng viện phí cũng nên vì người bệnh, cho người bệnh hưởng quyền lợi cao nhất đáng được hưởng như lời Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng khẳng định trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” là: Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên theo phương hướng tính đúng, tính đủ thì chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ được tăng thêm.