Viện kiểm sát khẳng định: “Huyền Như không phạm tội tham ô”

ANTĐ - Phát biểu đối đáp phần bào chữa của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử Huyền Như cùng đồng phạm cho rằng, Huyền Như không phạm tội tham ô và các giao dịch của bị hại đều bên ngoài Vietinbank.
Sáng ngày 20-1, phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cùng 22 đồng phạm trong vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng tiếp tục phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) giữ quyền công tố tại tòa đối với các ý kiến bào chữa của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự.
Đại diện VKS cho rằng, trong vụ án này, một số bị cáo đã phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động cho vay trong các tổ chức tín dụng. Đây là một trong những loại tội phạm xảy ra trong lĩnh vực được xem làm xương sống của nền kinh tế quốc gia.
Trong bài bào chữa của mình, các luật sư cho rằng VKSND quy trách nhiệm các bị cáo vi phạm là không chính xác.
Về quan điểm này, đại diện VKS khẳng định, các bị cáo đã làm không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quy chế cho vay, bỏ qua các bước trong lập hồ sơ cho vay như: không có mặt người vay, không có mặt người bảo lãnh, không có chữ ký của người cho vay, người bảo lãnh… Nếu các bị cáo làm đúng thủ tục, quy trình, quy định thì đã không gây ra hậu quả như cáo trạng quy kết.

VKS khẳng định Huyền Như không phạm tội Tham ô tài sản

Trước đó, các luật sư cho rằng cáo trạng không nêu Vietinbank là bị hại và Vietinbank cũng không nhận mình là bị hại trong vụ án này nên cần xem xét lại tội danh truy tố. Vietinbank không thiệt hại nên các bị cáo là nhân viên của Vietinbank không phạm tội.
Về vấn đề này này, VKS đã không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư. VKS cho rằng, trách nhiệm của Vietinbank là đã sơ hở nên dễ dàng tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo. Hành vi này có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên VKS đã kiến nghị với cơ quan trung ương xem xét xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm của các cán bộ Vietinbank chi nhánh TP.HCM.
“Nếu khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao mà các bị cáo nhận thức được rằng hành vi của Huyền Như gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác thì các bị cáo không bị truy tố như cáo trạng. Các bị cáo có đầy đủ khả năng từ chối các giao dịch trái với quy định của nhà nước. Nếu nói các bị cáo tin tưởng vào lãnh đạo cấp trên, trực tiếp là Huyền Như, muốn giữ khách hàng lớn nên mới xảy ra sự việc là không chính xác. Nếu sự tin tưởng của các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ thì hậu quả không xảy ra. ACB không mất 718 tỷ đồng…”, đại diện VKS khẳng định.
Đối với những lời khai như còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, động cơ mục đích của sự việc là muốn giữ khách cho ngân hàng nên mới phạm tội, đại diện VKS đề nghị HĐXX ghi nhận và xem xét trong quá trình nghị án và tuyên án.
Đại diện VKS cũng nêu quan điểm về phần bào chữa của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB. Theo đó, VKS cho rằng trong các hợp đồng giao dịch giữa ACB với Vietinbank thông qua Huyền Như là hợp đồng thật đối với ACB nhưng là giả với Vietinbank. Vietinbank không có chính sách nào tạo điều kiện thuận lợi như nhân viên ACB không cần đến giao dịch tại Vietinbank, không có lãi suất cao…

VKS đề nghị HĐXX lưu ý đến việc một số bị cáo phạm tội
vì tin tưởng, phụ thuộc chỉ đạo của cấp trên để lượng hình phạt

VKS quy trách nhiệm cho ACB khi giao trách nhiệm cho 19 nhân viên làm trái pháp luật, cụ thể là trái với Thông tư số 02 của Ngân hàng Nhà nước. Khi tiền chuyển vào tài khoản của các nhân viên ACB thì các nhân viên ACB phải có trách nhiệm quản lý những tài khoản trên.
Mặt khác, ACB cũng phải yêu cầu nhân viên bàn giao lại những tài khoản này cho ngân hàng nhưng ACB đã không làm như vậy mà đã phó thác toàn bộ số tiền cho Như. Như vậy, ACB cũng chưa thực hiện đúng quy trình dẫn đến việc bị Như lợi dụng.
VKS phủ nhận quan điểm của luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ cho ACB) và một số luật sư khác khi cho rằng Huỳnh Thị Huyền Như đã phạm tội “Tham ô tài sản”. VKS khẳng định, trong vụ án này, cả 2 bên là phía ACB và Huyền Như đều cố ý vi phạm pháp luật.
Trong phần bào chữa của mình, luật sư Trương Thanh Đức của Navibank đưa 10 nội dung khẳng định Navibank không phải là bị hại của vụ án này. VKS cho rằng: Navibank vi phạm pháp luật về vượt trần lãi suất. Lãnh đạo Navibank đã thừa nhận sai phạm và sai phạm này đã khởi nguồn cho những sai phạm kế tiếp dẫn đến bị Huyền Như lừa.
Navibank cho rằng không bị Như lừa, không vi phạm quy định về tiền gửi. Tuy nhiên, VKS khẳng định Navibank đã trao quyền định đoạt tài sản của mình cho các bị cáo trong vụ án.
Navibank cho rằng mình không được bảo vệ khi gửi tiền cho Vietinbank nhưng VKS khẳng định không có chứng cứ xác nhận Navibank giao tiền cho Vietinbank. Huyền Như đã đánh vào lòng tham nên dễ dàng lừa đảo số tiền lớn.
“Đến thời điểm này chưa có một trường hợp khách hàng nào, không riêng gì của Vietinbank mà bất cứ ngân hàng nào, báo rằng bị mất tiền khi họ đến gửi tại ngân hàng. Còn ở đây, gửi tiền tiết kiệm mà không gửi số tiết kiệm, giao dịch qua trung gian… nên mới dẫn đến hậu quả như hôm nay. Mọi hành vi giao dịch với bất kỳ ngân hàng nào, dù là Vietinbank hay bất cứ ngân hàng TMCP nào đều được pháp luật bảo vệ nếu họ tuân thủ các quy định”, VKSND khẳng định.