Viễn cảnh khó đoán định cho Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Được xây dựng và huấn luyện với chi phí 83 tỷ USD trong 20 năm, lực lượng an ninh Afghanistan đã sụp đổ nhanh chóng, thậm chí không có sự kháng cự nào và người hưởng lợi cuối cùng từ khoản đầu tư của Mỹ hóa ra lại là Taliban.
Các tay súng Taliban kiểm soát cổng sân bay quốc tế Kabul ngày 16-8-2021

Các tay súng Taliban kiểm soát cổng sân bay quốc tế Kabul ngày 16-8-2021

“Tiền không mua được ý chí”

Lực lượng nổi dậy Taliban ở Afghanistan giờ đây không chỉ nắm quyền lực chính trị mà còn cả hỏa lực do Mỹ cung cấp cho lực lượng vũ trang nước này, bao gồm súng, đạn dược, trực thăng và hơn thế nữa. “Đây là hậu quả đáng xấu hổ của quân đội Mỹ cũng như các cơ quan tình báo khi đánh giá sai lầm khả năng tồn tại của quân đội chính phủ Afghanistan. Trong một số trường hợp, họ đã chọn đầu hàng, nộp phương tiện và vũ khí hơn là chiến đấu”, hãng tin AP bình luận.

Việc không tạo ra được lực lượng quân đội và cảnh sát bền vững để bảo vệ chính quyền Afghanistan sẽ được các nhà phân tích quân sự nghiên cứu trong nhiều năm. Tuy nhiên, điều này không khác gì câu chuyện sau chiến tranh ở Iraq. Các lực lượng hóa ra rỗng tuếch, được trang bị vũ khí tối tân nhưng phần lớn thiếu yếu tố quan trọng của động lực chiến đấu. “Tiền không mua được ý chí”, ông John Kirby, phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, cho biết hôm 16-8.

Doug Lute, một Trung tướng quân đội đã nghỉ hưu, người giúp chỉ đạo chiến lược chiến tranh Afghanistan dưới thời chính quyền George W. Bush và Barack Obama, nói rằng dù nhận được nguồn lực hữu hình nhưng những gì người Afghanistan thiếu là những thứ vô hình quan trọng hơn. “Nguyên tắc của chiến tranh là yếu tố đạo đức thống trị các yếu tố vật chất. Tinh thần, kỷ luật, khả năng lãnh đạo, sự gắn kết của đơn vị quyết định hơn quân số và trang bị. Là người ngoài Afghanistan, chúng tôi có thể cung cấp vật chất, nhưng chỉ người Afghanistan mới có thể cung cấp các yếu tố đạo đức vô hình đó”.

Ngược lại, quân nổi dậy Taliban của Afghanistan, với số lượng ít hơn, vũ khí kém tinh vi hơn và không có sức mạnh không quân, nhưng đã chứng tỏ là đội quân vượt trội. Các cơ quan tình báo Mỹ phần lớn đánh giá thấp ưu thế đó, và ngay cả sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố vào tháng 4 rằng ông sẽ rút toàn bộ quân đội Mỹ, các cơ quan tình báo đã không lường trước được một cuộc tấn công dẫn đến chiến thắng ngoạn mục như vậy cho Taliban. “Chúng ta đã nhận ra rằng, không cho họ hy vọng, lại rút quân nhanh chóng chính là tín hiệu gửi đến lực lượng vũ trang Afghanistan rằng họ đang bị bỏ rơi”, ông Chris Miller, quyền Bộ trưởng Quốc phòng vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump cho biết. Cùng quan điểm này, ông Stephen Biddle, giáo sư về các vấn đề quốc tế và công cộng tại Đại học Columbia và là cựu cố vấn cho các chỉ huy Mỹ ở Afghanistan, cho biết thông báo của Tổng thống Biden đã đặt ra sự sụp đổ cuối cùng. “Trước tháng 4, quân đội chính phủ Afghanistan đã thua trận từ từ nhưng đều đặn. Khi họ biết rằng các đối tác người Mỹ sẽ về nước, một sự thôi thúc muốn từ bỏ mà không chiến đấu lan nhanh như cháy rừng”.

Nguyên nhân thất bại sâu xa

Taliban có 80.000 quân so với 300.699 quân trên danh nghĩa phục vụ chính phủ Afghanistan, tuy nhiên Taliban đã nhanh chóng kiểm soát đất nước trong vài tuần khi các chỉ huy quân đội đầu hàng mà không muốn giao tranh. Đó là câu chuyện về 2 đội quân, một đội quân được trang bị kém nhưng có động lực cao về mặt tư tưởng, và đội quân kia về danh nghĩa được trang bị tốt, nhưng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của NATO, chỉ huy kém và đầy rẫy tham nhũng.

Việc xây dựng lực lượng vũ trang Afghanistan hoàn toàn phụ thuộc vào sự hào phóng của Mỹ đến mức Lầu Năm Góc thậm chí còn trả lương cho quân đội Afghanistan. Số tiền khổng lồ đó và lượng nhiên liệu không kể xiết, đã bị bòn rút bởi một bộ phận chỉ huy tham nhũng và quan chức chính phủ, nên hiện tượng “binh lính ma” để rút lõi tiền viện trợ Mỹ là điều hết sức bình thường.

Trong số khoảng 145 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đã chi để tái thiết Afghanistan, khoảng 83 tỷ USD được dùng để phát triển và duy trì lực lượng quân đội và cảnh sát, theo Văn phòng Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan, một cơ quan giám sát do Quốc hội thành lập để theo dõi cuộc chiến kể từ năm 2008. Đây vẫn chỉ là con số nhỏ so với 837 tỷ USD mà Mỹ đã chi cho cuộc chiến bắt đầu từ tháng 10-2001. 83 tỷ USD đầu tư cho các lực lượng Afghanistan trong hơn 20 năm gần gấp đôi ngân sách của năm ngoái cho toàn lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ và nhiều hơn một chút so với những gì Washington đã chi ngân sách năm ngoái để hỗ trợ tem phiếu lương thực cho khoảng 40 triệu người Mỹ. “Câu hỏi liệu số tiền đó có được chi tiêu tốt hay không sẽ được trả lời bằng kết quả của giao tranh trên thực địa. Đó sẽ là đánh giá thuần túy nhất”, báo cáo của cơ quan giám sát về tái thiết Afghanistan của Mỹ nhấn mạnh.

Nguyên nhân thất bại sâu xa chính là chiến lược chiến tranh của Mỹ. Mỹ đã cố gắng phát triển một cơ sở quốc phòng đáng tin cậy cho Afghanistan ngay cả khi nước này đang chiến đấu với Taliban, cố gắng mở rộng cơ sở chính trị của chính phủ ở Kabul và tìm cách thiết lập nền dân chủ ở một quốc gia đầy rẫy tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu. Năm này qua năm khác, các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ đã hạ thấp các vấn đề tồn tại và khẳng định thành công sẽ đến. Vào năm 2015, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của trường Đại học Chiến tranh Quân đội khi nghiên cứu về chiến lược chiến tranh ở Afghanistan dự báo: “Phân rã chậm là điều không thể tránh khỏi, và sự thất bại chỉ là vấn đề thời gian”.

Hàng nghìn người Afghanistan đổ sang biên giới Pakistan để lánh nạn

Hàng nghìn người Afghanistan đổ sang biên giới Pakistan để lánh nạn

Còn nhiều lo ngại

Nhiều chính khách, học giả đã coi việc tiếp quản của Taliban là một thất bại lớn của thế giới phương Tây, báo hiệu một cuộc can dự kéo dài hàng thập kỷ nhưng vô ích. Theo cựu Ngoại trưởng Đan Mạch Per Stig Møller, việc Taliban tiếp quản chính quyền Afghanistan có thể báo hiệu sự thất bại của các giá trị phương Tây ở đất nước mà tất cả những tiến bộ có thể sớm bị loại trừ. Theo ông Møller, liên minh phương Tây đã cố gắng đào tạo 300.000 binh sĩ Afghanistan, cải thiện chăm sóc sức khỏe và đẩy mạnh giáo dục cho trẻ em gái. Cá nhân ông bày tỏ hy vọng rằng nhờ 20 năm tự do, người dân Afghanistan được “tiêm vaccine chống lại tư tưởng cực đoan của Taliban”.

Diễn biến tiếp theo đây ở Afghanistan sẽ là gì? Hiện vẫn chưa có gì rõ ràng. Taliban nói rằng họ muốn thành lập một chính phủ Hồi giáo bao trùm, cùng với các phe phái khác. Taliban đang tổ chức đàm phán với các chính trị gia cấp cao, bao gồm cả các nhà lãnh đạo trong chính phủ cũ. Họ đã cam kết thực thi luật Hồi giáo nhưng nói rằng sẽ cung cấp một môi trường an toàn cho cuộc sống bình thường trở lại sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Nhưng nhiều người Afghanistan không tin tưởng vào Taliban và lo sợ rằng đường lối cai trị sẽ là bạo lực và áp bức. Một dấu hiệu khiến người ta lo lắng là Taliban muốn đổi tên đất nước thành Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, giống như chính quyền đã bị lật đổ 20 năm về trước.

Liệu Taliban có trở thành nơi chứa chấp cho nhóm khủng bố Al-Qaeda? Đó là dự đoán của nhiều người, cũng là lo ngại của các quan chức quân sự Mỹ. Trong thỏa thuận hòa bình được ký với Mỹ năm ngoái, Taliban cam kết chống lại chủ nghĩa khủng bố và ngăn chặn Afghanistan một lần nữa trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công nước Mỹ. Taliban đã phải trả một cái giá đắt cho vai trò trong thảm kịch khủng bố ngày 11- 9 và có khả năng sẽ tránh lặp lại điều đó khi tìm cách củng cố quyền thống trị của mình. Nhưng vào đầu năm nay, các nhà lãnh đạo cao nhất của Lầu Năm Góc cho biết, một nhóm cực đoan như Al-Qaeda có thể tái sinh ở Afghanistan và có thể phát triển nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Afghanistan cũng là nơi có chi nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vốn đã thực hiện làn sóng tấn công kinh hoàng nhắm vào nhóm thiểu số Shiite của nước này trong những năm gần đây. Taliban đã lên án các cuộc tấn công như vậy và hai nhóm đã chiến đấu với nhau về kiểm soát lãnh thổ, nhưng vẫn còn phải xem liệu một chính phủ Taliban sẽ sẵn sàng hoặc có thể đàn áp IS hay không.

Quốc hội Mỹ sẽ xem xét vì sao Mỹ chi lớn cho việc huấn luyện quân đội Afghanistan nhưng lại sụp đổ trước Taliban chỉ trong vài tuần. Diễn biến mới nhất cũng đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền Biden từng nghĩ rằng có thể để cho lực lượng an ninh Afghanistan tự lực sau hàng chục năm phụ thuộc vào Mỹ về tài chính và các kỹ năng quan trọng.