Thị trường lao động cuối năm:

Việc nhiều, quyền lợi bấp bênh

ANTD.VN - Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nên các doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất bảo đảm việc cung ứng hàng hóa cho thị trường. Chính vì vậy, từ các khu công nghiệp, khu chế xuất đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều lựa chọn giải pháp tuyển lao động thời vụ phục vụ tăng ca, sản xuất.

Để có thêm thu nhập, nhân viên giao hàng sẵn sàng làm việc bất kể thời gian

Nhiều cử nhân chấp nhận làm công việc giản đơn 

So với thời điểm năm ngoái, Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn nên các doanh nghiệp cũng đã tham gia tuyển dụng lao động sớm để phục vụ cho kế hoạch sản xuất cuối năm, tránh việc giành giật lao động vào chính vụ.

Tuy nhiên, qua các kênh thông tin tuyển dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng ở các cơ sở sản xuất - kinh doanh, công ty vận tải… tập trung chủ yếu vào nhóm lao động thời vụ, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ khá thấp. Đây cũng là tình trạng chung tại các thành phố lớn.

Cập nhật thông tin về thị trường lao động Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Quang Vinh cho biết: “Quý III năm 2016, cả nước có 1.117.700 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý II năm 2016. Trong số những người thất nghiệp có tới 456.100 người có chuyên môn kỹ thuật, nhiều nhất ở các nhóm trình độ đại học trở lên với 202.300 người, cao đẳng chuyên nghiệp 122.400 người”.

Ông Đào Quang Vinh phân tích, nhu tuyển dụng trên thị trường lao động thời điểm này chủ yếu là lao động phổ thông (67,9% trong quý III năm 2016). Điều này phần nào phản ánh đúng bức tranh về cung - cầu trên thị trường lao động. Dịp cuối năm, công ty hướng tới việc dụng lao động thời vụ để mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Tỷ lệ thất nghiệp cao của nhóm lao động có trình độ chuyên môn dẫn đến nhiều lao động chấp nhận làm công việc giản đơn với mức lương phổ thông để có thu nhập bảo đảm cuộc sống. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng lại có phần không mặn mà với đội ngũ tân cử nhân, kỹ sư.

Lý giải điều này, các chuyên gia nhân sự cho biết, dịp cuối năm, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, hoàn thành các đơn đặt hàng, doanh nghiệp cần bổ sung nguồn lao động thời vụ trong những công việc gia công, đóng gói, sắp xếp sản phẩm, kiểm hàng, tập trung chủ yếu trong ngành dệt may, chế biến thực phẩm.

Những công việc này thường yêu cầu sự chăm chỉ và gò bó về mặt thời gian nên không phù hợp với nhóm lao động trẻ. Đối với những công việc thời vụ phục vụ sinh hoạt thường ngày: bốc xếp hàng hóa, dọn dẹp nhà cửa, phế liệu công trình, phụ hồ… người tuyển dụng thường chọn nhóm lao động ngoại tỉnh, tới thành phố mưu sinh vì có thể chịu được áp lực công việc.

Cẩn trọng với “bẫy” việc làm

Theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH, nhu cầu tuyển dụng trong những tháng cuối năm sẽ tăng cao, đặc biệt là một số ngành cung ứng dịch vụ như: nhà hàng, siêu thị, cơ sở sản xuất đồ trang trí hay các ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Đây là cơ hội lớn cho lao động phổ thông tìm kiếm việc làm.

Mặc dù nhu cầu tuyển dụng cao, lao động thời vụ dễ kiếm việc nhưng chế độ đãi ngộ, thu nhập trung bình, khó có đột phá. Công việc thời vụ thường không ổn định và khối lượng công việc có phần nặng nề hơn các thời điểm khác. Thực tế, nhiều lao động phổ thông rất dễ “chịu thiệt” trước những công việc làm thêm mang tính thời vụ.

Họ chủ yếu chỉ giao dịch, hợp tác bằng miệng, quyền lợi được đảm bảo bằng lời hứa. Do đó, nếu có tranh chấp xảy ra như thay đổi yêu cầu công việc, “ăn bớt” tiền lương người lao động cũng không biết kêu ai.

Không những thế, một số lao động thiếu kinh nghiệm cũng thường bị lừa bởi các trung tâm môi giới việc làm không có uy tín. Để chiếm đoạt tiền đặt cọc của người xin việc, các công ty “ma” thường đưa ra những chiêu trò khác nhau, nhằm gây khó khăn, mệt mỏi, mất nhiều thời gian khiến người xin việc phải chán nản mà bỏ ngang.

Do đó, để tìm được công việc phù hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu khuyến cáo người lao động, nhất là những lao động từ nông thôn ra Hà Nội tìm công việc thời vụ cuối năm nên tới các trung tâm dịch vụ việc làm của Sở 

LĐ-TB&XH Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ việc làm của đoàn thanh niên để được tư vấn, giới thiệu. Những lao động được giới thiệu việc làm sẽ không tốn phí môi giới, mặt khác những đơn vị đăng ký tuyển dụng tại các trung tâm này đều đã được thẩm định và cam kết thực hiện đầy đủ quyền lợi đối với người lao động.