Vỉa hè trước cửa, cứ tưởng của mình: Xử lý như “ném đá ao bèo”

ANTĐ - Nếu như ban ngày, những người bán hàng còn để lại một chút vỉa hè cho có hình thức, thì khi thành phố lên đèn, người người, nhà nhà ùa ra vỉa hè bày bàn ghế, trông xe, bán hàng ăn… Họ coi đây như là phần diện tích riêng của gia đình mình vậy…

Một quán bia hơi trên đường Nguyễn Văn Cừ sử dụng vỉa hè như sân nhà mình

Tận cùng nhếch nhác 

Sự lộn xộn, phản cảm từ những hành vi lấn chiếm vỉa hè hiện diện khắp các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội vào ban ngày đã khá rõ, nhưng từ thời điểm 17h trở đi, tận cùng của sự nhếch nhác mới được bộc lộ. Trên các tuyến đường là vô số biển hiệu đủ màu sắc của những quán bia hơi, quán nướng, lẩu bình dân... ngập kín vỉa hè. Các chủ quán đua nhau bày bàn, ghế, để xe máy, ô tô, thậm chí nấu nướng đồ ăn trên đó như sân riêng.

Khảo sát dọc tuyến phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên tối 31-3, chúng tôi nhận thấy tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán diễn ra khắp nơi. Ngay đầu ngõ 154 đường Ngọc Lâm, một hộ kinh doanh cháo gà đã sử dụng phần diện tích vỉa hè rộng chừng 5 mét làm nơi kê bàn ghế bán hàng, khiến cả đoạn vỉa hè này gần như tê liệt từ 18h - 22h. Điều đáng nói là, hộ kinh doanh này còn chiếm dụng phần lòng đường ngay sát vỉa hè làm nơi trông giữ xe khiến các phương tiện giao thông qua lại tuyến phố này gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số quán bia hơi, cà phê, ốc luộc,…cũng đua nhau bày bàn, ghế, để xe trên vỉa hè. Ông Trần Văn Tuyến - một cán bộ về hưu sống trên địa bàn phường than phiền, các hộ kinh doanh đã chiếm lối đi trên vỉa hè của người đi bộ, đặc biệt là những người lớn tuổi, buộc họ phải đi xuống đường trong khi các phương tiện giao thông lao vun vút.

Vòng qua phố Nguyễn Văn Cừ, đoạn giao cắt ngã tư Nguyễn Sơn- Nguyễn Văn Cừ, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng tương tự. Tại đây, một quán bia hơi khá nổi tiếng đã chiếm dụng khoảng vỉa hè dài hơn chục mét để kê bàn ghế cho khách ngồi ăn, nhậu. Suốt dọc chiều dài của tuyến phố, ngay sát lòng đường, hàng dãy xe máy xếp hàng dài được chủ quán tận dụng làm bãi gửi xe cho thực khách giữa hàng trăm phương tiện qua lại đông đúc trên tuyến đường.

Còn tại một số tuyến phố trên địa bàn quận Ba Đình, việc chiếm dụng vỉa hè lòng đường vào buổi tối cũng không kém phần phức tạp. Lợi dụng thời điểm nhá nhem, ở ngã ba Nguyễn Văn Ngọc - Đào Tấn, một số hộ kinh doanh đẩy xe bán bánh mỳ chiếm phần lớn diện tích vỉa hè ở đây. Không những vậy, họ còn kê bàn ghế cho khách ngồi ăn tại chỗ. Giấy ăn và các loại rác thải được khách vô tư xả thẳng ra đường, gây ô nhiễm môi trường. Cách đó không xa, sát bãi đỗ xe phố Phan Kế Bính, một số cá nhân còn biến một đoạn vỉa hè thành nơi tập kết, mua bán đồ đồng nát. Điều đáng nói, đây là điểm gần trường học, lòng đường lại nhỏ hẹp nên việc người dân phải đi bộ xuống đường là vô cùng nguy hiểm. Còn tại ngã tư Văn Cao-Đội Cấn, tình trạng chiếm dụng vỉa hè cũng diễn ra khá ngang nhiên. Mặc dù đây là tuyến phố lớn, thường xuyên có đông người qua lại nhưng lợi dụng đoạn vỉa hè rộng, cây che khuất, một sô hộ dân vô tư kê ghế tràn lan bán hàng nước, mũ bảo hiểm, bóng bay… Bà Nguyễn Thị Thành ở phố Liễu Giai chia sẻ: “Trước đây, tôi thường đi bộ, tập thể dục qua khu vực này nhưng từ khi xuất hiện mấy hàng nước tôi phải đi vòng đường khác”.

Vỉa hè thành nơi tập kết đồ đồng nát

Kẻ ranh giới ngầm

Từ lâu, “luật bất thành văn” mà ai cũng biết là “vỉa hè trước cửa nhà nào nhà đó có quyền sử dụng và…định đoạt”. Điều đó có nghĩa, khi một cá nhân nào đó muốn sử dụng đoạn vỉa hè này mỗi khi có nhu cầu riêng (để xe, hiếu, hỉ) đều phải xin phép gia chủ.

Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận xét, vỉa hè là tài sản chung của cả xã hội chứ không phải của những căn nhà mặt phố, các cửa hàng buôn bán hay một vài cá nhân nào đó. Mục đích của vỉa hè nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông chứ không phải là nơi kiếm tiền của một số người. Tuy vậy, việc giải phóng vỉa hè đang là bài toán khó. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do việc đầu tư xây dựng vỉa hè chưa đồng bộ, nhiều đoạn vỉa hè đã bị xuống cấp, không được sửa chữa, không đảm bảo được chức năng vốn có của nó. Thói quen ăn uống, mua bán, sinh hoạt trên vỉa hè đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người dân. Hơn nữa, việc buông lỏng quản lý cũng khiến vỉa hè bị xẻ thịt biến thành chợ ẩm thực, cửa hàng tạp hóa, quán giải khát…

Điều đáng buồn là, trước những phức tạp về trật tự giao thông và cảnh quan đô thị do vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan, một số phường đã xây dựng quy chế, tổ chức cho dân ký cam kết rồi ra quân xuống đường xử lý vi phạm, song chỉ được vài bữa rồi đâu lại vào đấy, chẳng khác nào “đá ném ao bèo”...