Vỉa hè kém chất lượng: Ai chịu trách nhiệm về sự lãng phí?

ANTĐ - Từ “điểm đen” vỉa hè kém chất lượng trên tuyến vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), TP Hà Nội đang phải rà soát lại toàn bộ quy trình quản lý, thi công hè đường để khắc phục ngay những lỗ hổng, không để lặp lại những trường hợp tương tự.

Vỉa hè tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu phải lật lên lát lại gây lãng phí

Người dân bất bình vì lãng phí

Theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), toàn bộ kinh phí khắc phục vỉa hè kém chất lượng sẽ do các đơn vị thực hiện dự án chi trả. Tuy nhiên, không rõ trách nhiệm “chi trả” sẽ do chủ đầu tư gánh hết hay chia đều cho cả đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát? Dù là ai chi trả, từ chủ đầu tư (tiền ngân sách) hay các công ty liên quan, đều có thể khẳng định, đây là sự lãng phí nghiêm trọng bởi thực tế tuyến đường mới đưa vào vận hành chưa được bao lâu. 

Theo thông tin từ các quận, suất đầu tư cho 1m2 hè thay thế dao động từ 300.000-500.000 đồng/m2. Trong đó, riêng tiền gạch là đắt nhất, loại thông thường đã có giá thành từ 200.000 - 300.000/m2. Với hàng trăm tuyến đường nội thành, chi phí dành cho việc chỉnh trang, cải tạo, duy tu vỉa hè Hà Nội là rất lớn. Nếu đường phố nào cũng như Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, sự lãng phí sẽ rất khủng khiếp.

Đáng chú ý, theo người dân phản ánh, tại một số tuyến phố, có tình trạng hè còn tốt nhưng vẫn bị lật lên để thay thế không thương tiếc. Ông Nguyễn Ngọc Đĩnh (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) bất bình: “Vỉa hè tuyến phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) đã lát gạch lục giác, đang dùng tốt lại cậy hết lên. Đáng lẽ ra, chỉ thay những viên gạch nào bị vỡ cho đỡ lãng phí. Đằng này, họ cứ lật hết lên, gạch cũ chở đi và mang gạch mới về lát. Không thể hiểu nổi vì sao họ làm như vậy. Tiền đó nên để xây dựng nhà cho người nghèo thì tốt hơn...”.

Sẽ có thiết kế mẫu

Không đồng tình với cách chỉnh trang cải tạo vỉa hè hiện nay, GS, TS Vũ Hy Chương (quận Hai Bà Trưng) cho rằng: “Các quận nội thành rất tích cực chỉnh trang vỉa hè. Tuyến phố nào cũng ngổn ngang, song về mặt kỹ thuật, chất lượng đều không đạt. Chỉ qua vài tháng sau khi sửa chữa đã bắt đầu thấy hỏng, mặt hè lại nhấp nhô. Chúng tôi đề nghị TP xem xét lại kỹ thuật lát vỉa hè. Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng hay Đống Đa... mỗi nơi làm một kiểu vỉa hè là không nên. Cuối cùng, khi chỉnh trang vỉa hè, nên làm cống hộp, không nên để nước chảy tràn trên lề đường, rất mất vệ sinh và mỹ quan đô thị”. Cùng quan điểm, đại diện quận Hai Bà Trưng cho rằng, khi thi công vỉa hè, cần chú ý đảm bảo đồng bộ, không thể để tình trạng vỉa hè tuyến phố giáp ranh 2 quận mỗi bên một kiểu, một màu khác nhau.

Ngày 3-7, UBND TP Hà Nội đã cùng các sở, ngành liên quan tìm giải pháp khắc phục những tồn tại trong quản lý, thi công hè đường theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Yêu cầu các quận huyện, Sở GTVT rà soát lại toàn bộ hệ thống vỉa hè thuộc địa bàn quản lý, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, việc sửa chữa vỉa hè trên toàn thành phố sẽ phải thực hiện theo thiết kế mẫu hè phố đô thị, dự kiến được thành phố ban hành vào giữa tháng 7-2014. Ông Nguyễn Quốc Hùng nói: “Không phải sau khi thành phố ban hành Thiết kế mẫu hè phố đô thị, chúng ta bới tung lên để làm lại tất cả hè phố. Song những chỗ hư hỏng, xuống cấp, bất cập thì cần phải tiến hành sửa chữa, khắc phục ngay”.

Cùng ngày, Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa ra 7 mẫu thiết kế cho các khu vực khác nhau. Theo khái toán kết cấu lát hè do đơn vị tư vấn đưa ra, phương án có giá thành cao nhất lên tới 870.000 đồng/m2 (kết cấu lát hè đá), thấp nhất 175.000 đồng/m2 (kết cấu lát hè block).